Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

NHỮNG LỰA CHỌN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM




NHỮNG LỰA CHỌN CỦA ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM

   

     I/ THỰC TRẠNG NỀN KINH TẾ ĐẤT NƯỚC

     Trong thời gian gần hai năm trở lại đây, nền kinh tế VN đã gặp nhiều biến động theo hướng khủng hoảng toàn diện. Ban đầu là sự sụt giá, sự tồn đọng bất động sản kéo theo sự phá sản, giải thể của hàng loạt doanh nghiệp. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản đã ảnh hưởng tới tất cả các ngành nghề khác trong nền kinh tế, như xây dựng, sản xuất sắt thép, xi-măng, hàng nội thất, vận tải…đến nay, không còn ngành nghề nào, không còn cá nhân nào không chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn diện của nền kinh tế. Về cơ bản, tất cả đều đồng ý, đây là một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn.
     Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá về cuộc khủng hoảng này có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất, cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế này, cũng như những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó, và cũng như các nước khác vẫn thỉnh thoảng có các cuộc khủng hoảng, rất đáng lo ngại nhưng vẫn có thể vượt qua được. Đây cũng là ý kiến chính thống của đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam hiện nay, và phần lớn những người mong muốn nền kinh tế phục hồi, không ảnh hưởng tới thể chế kinh tế - chính trị mà họ đang được hưởng lợi từ đó. Luồng ý kiến thứ hai, cho rằng, nếu không có sự đột phá về chính trị, dẫn tới sự đột phá về niềm tin của nhân dân, thì nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của chế độ. Chúng ta đi vào phân tích các lập luận của hai luồng quan điểm nêu trên.

     1/ Quan điểm lạc quan, tin vào sự phục hồi của nền kinh tế dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng Cộng sản VN.
     Về cơ bản, các lập luận của luồng ý kiến này dựa vào các yếu tố sau.
     a/ Các số liệu về nền kinh tế được nhà nước công bố, và một phần số liệu của quốc tế. Trước hết, tuy khủng hoảng kinh tế, nhưng GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao của thế giới và châu Á (năm 2012 là 5,25%; năm 2013 là 5,42%). Số nợ xấu của các ngân hàng thương mại chỉ là 5-7% theo số liệu của Việt Nam và 10-15% theo số liệu của quốc tế vẫn chưa phải quá lo ngại; số nợ của chính phủ theo nhà nước công bố là 48,4%GDP, một số chuyên gia kinh tế cho rằng số nợ chiếm 95% GDP, đó cũng đáng lo ngại nhưng vẫn có khả năng thanh toán. Số doanh nghiệp bị phá sản trong mấy năm qua rất lớn, nhưng số doanh nghiệp đang ký mới cũng rất nhiều. Thị trường chứng khoán đang phục hồi chứng tỏ sự ghi nhận đà phục hồi của nền kinh tế.
     b/ Trong quá khứ, đã có những cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự, thậm chí còn nặng nề hơn nhưng vẫn vượt qua được, điển hình là thời kỳ năm 1985 – 1986, nền kinh tế khủng hoảng, chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường. Các nước khác vẫn thường xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự.
     c/ Khả năng lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam vượt qua các thử thách hiểm nghèo
     Trên một khía cạnh nào đó, không phải những cơ sở lập luận của quan điểm này không có lý. Tuy nhiên, những ý kiến phản biện cho quan điểm này tập trung vào một số điểm sau.
      - Những số liệu về kinh tế của nhà nước công bố không đủ cơ sở tin tưởng và không nói hết được thực trạng của nền kinh tế. Như bài viết “Nền kinh tế thị trường và nền kinh tế Việt Nam” số liệu về nợ xấu của ngân hàng đã đưa ra, thậm chí số liệu của quốc tế cũng hoàn toàn không chính xác. Nợ xấu của ngân hàng đưa ra chỉ là 5-7% tổng dư nợ tín dụng, số liệu của quốc tế là 10-15%, nhưng qua sự phân tích, số nợ thực là 80-90% tổng dư nợ (kể cả trường hợp các trái phiếu của chính phủ có giá trị, thì số nợ thực cũng phải lên tới 50-60% tổng dư nợ). Như vậy, có sự chênh lệch rất lớn giữa số liệu được công bố và con số thực. Mặt khác, như chúng ta biết, tất cả các số liệu kinh tế của Nhà nước đưa ra, không hề năm nào nói tới nợ xấu ngân hàng, nợ công của chính phủ, tất cả đều tốt đẹp, báo chí hết lời ca ngợi. Thậm chí, báo Nhà Kinh tế của Anh còn đánh giá, Việt Nam ngôi sao kinh tế đang lên (2008). Nhưng đến một thời điểm, chúng ta thấy “đùng một cái” một số nợ khổng lồ của doanh nghiệp nhà nước xuất hiện, nợ xấu của ngân hàng xuất hiện. Điều này chứng tỏ, các số liệu của nhà nước công bố về kinh tế hầu như vô giá trị. Những số nợ của DNNN, nợ xấu của ngân hàng đến lúc không thể che dấu được mới buộc phải công bố. Mở rộng ra, chúng ta biết rằng, năm 1997, có trên 2/3 số xã của tỉnh Thái Bình đã khiếu kiện tập thể vì sự tham nhũng của các quan chức địa phương trong khi các đảng bộ (xã) của Thái Bình được đánh giá 95-98% trong sạch vững mạnh. Vậy nên, căn cứ vào số liệu kinh tế được báo cáo để nói về sự tốt đẹp và phục hồi của nền kinh tế là thiếu cơ sở.
      - Trong quá khứ, năm 1985-1986 nền kinh tế VN đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng, kinh tế kiệt quệ, viện trợ bị cắt, nền kinh tế bị cô lập, cấm vận. Nhưng khi đó, mức sống của người dân vô cùng thấp, nền kinh tế khủng hoảng chỉ làm gia tăng sự nghèo khổ của người dân, chứ không tạo ra được cú sốc nào. Mặt khác, dự trữ lòng tin của người dân vẫn còn, nhất là khi đó, đảng Cộng sản đã phát động công cuộc đổi mới nền kinh tế, trên lý thuyết là toàn diện, triệt để.
      - Khả năng lãnh đạo của đảng Cộng sản giúp cho chế độ vượt qua các cuộc khủng hoảng trong quá khứ là rất đáng kể. Khả năng lèo lái của đảng CS đưa chế độ thoát hiểm được hỗ trợ rất nhiều bởi các yếu tố: hào quang quá khứ (chiến thắng mấy cuộc chiến tranh); sự đồng thuận trong đảng CS; dự trữ lòng tin của người dân…đến nay, thật rõ ràng, các yếu tố này không còn tồn tại…

     2/ Quan điểm lạc quan, tin vào sự đột phá về chính trị hoặc sự sụp đổ của nền kinh tế.
     Một số người có quan điểm rất rõ ràng về nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế trong tương lai gần. Người ta cho rằng, sẽ có hai xu hướng chính sau: một, sự đột phá về chính trị, kéo theo sự đột phá về niềm tin, giúp chặn đứng cuộc khủng hoảng, từng bước phục hồi và phát triển nền kinh tế; hai, sự sụp đổ của nền kinh tế kéo theo sự sụp đổ của chế độ. Nói một cách dễ hiểu, hoặc có sự chủ động thay đổi chế độ, hoặc nếu không có sự chủ động thay đổi chế độ thì nền kinh tế cũng sụp đổ kéo theo sự sụp đổ và cuối cùng là thay đổi chế độ. Lập luận chính của luồng ý kiến này tập trung vào những điểm sau.
      - Trước hết và trên hết, đó là sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý của nền kinh tế thị trường, sự bóp méo và biến dạng toàn bộ cấu trúc và cơ chế của nền kinh tế thị trường dẫn tới sự biến dạng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế Việt Nam (xem bài “Nền kinh tế thị trường và nền kinh tế Việt Nam”). Sự tùy tiện, lạm dụng và trục lợi trong các chính sách kinh tế của nhà nước càng làm nền kinh tế VN gặp phải các cơn co thắt, nghẹt thở dẫn tới sự đổ vỡ không tránh khỏi của tất cả các ngành nghề và toàn bộ nền kinh tế. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất để khẳng định, nền kinh tế VN nếu không có sự thay đổi về bản chất sẽ không thể duy trì được sự tồn tại. Tất cả những đổ vỡ của nền kinh tế hiện nay: tỷ lệ nợ xấu cao của ngân hàng, nợ công tăng cao, sự đình đốn khủng khiếp của thị trường bất động sản chỉ là hệ quả và hậu quả tất yếu của nguyên nhân cơ bản nêu trên. Thật ra, về mặt lý thuyết, nền kinh tế Việt Nam không có lý do để tồn tại khi vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý kinh tế thị trường, cấu trúc và cơ chế nền kinh tế biến dạng hoàn toàn so với nền kinh tế bình thường. Nhưng nền kinh tế VN đã tồn tại, nhờ xuất phát điểm của mình, và những may mắn kỳ lạ. Chính vì vậy, nếu tiếp tục duy trì hiện trạng kinh tế như hiện nay, không có sự thay đổi về bản chất, thì sự sụp đổ của nền kinh tế là không thể tránh khỏi.
      - Trong điều kiện nền kinh tế đổ vỡ, đình trệ và kém hiệu quả, nguồn chi của nhà nước vẫn vô cùng lớn. Nguồn chi của nhà nước bao gồm chi thường xuyên và chi cho các yêu cầu chính trị. Nguồn chi thường xuyên, như các phân tích trước đây (trong bài: “Tương lai nào cho phong trào Dân chủ Việt Nam” – 2008) và thực tế đang diễn ra, là một con số khủng khiếp. Nếu tính cả lương trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, các quỹ lương hưu (bảo hiểm xã hội) mà nhà nước thống nhất quản lý, thì số người được hưởng phụ cấp từ 10kg gạo trở lên đến lương Tổng bí thư, con số khoảng 30-40 triệu người. Sự độc quyền của đảng CS được duy trì cho tới ngày hôm nay có một phần không nhỏ do số người hưởng lợi quá nhiều từ thể chế này. Tuy nhiên, duy trì sự tồn tại của một hệ thống mấy chục triệu người trong tình trạng nền kinh tế đổ vỡ hiện nay quả là vấn đề rất nan giải (xem bài: ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI VAY ĐỂ CHI TIÊU VAY ĐỂ TRẢ NỢ… http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/576467/da-den-muc-phai-vay-de-chi-tieu-vay-de-tra-no.html?). Nguồn chi cho yêu cầu chính trị cũng ngày càng tăng, không có điểm dừng. Đó là việc chi cho các ngày lễ lớn trong năm, chi xây dựng tượng đài, nhà truyền thống, nhà Lưu niệm của các cố lãnh đạo CS, tổ chức các sự kiện quốc tế nhằm mục đích tuyên truyền…nếu cộng gộp tất cả các địa phương sẽ là con số khổng lồ.
      - Mức độ và quy mô tham nhũng hiện nay thực sự là khủng khiếp. Những người ở trong cơ chế, ít nhiều liên quan tới các dự án đều rùng mình về mức độ của tình trạng tham nhũng hiện nay. Có những công trình, chi phí thực chỉ hết hơn 60 triệu đồng, nhưng khi kết toán, số liệu lên tới trên 250 triệu đồng. Mức độ tham nhũng gấp 3 lần giá trị công trình, và đây là tình trạng chung của hầu hết các công trình. Lời khai của Dương Chí Dũng trong vụ Vinashine, về việc hối lộ 500 ngàn đô-la, 1 triệu đô-la cũng chứng minh mức độ tham nhũng khủng khiếp trong các giao dịch làm ăn tại VN. Với mức độ tham nhũng khủng khiếp như vậy, trên phạm vi toàn bộ các ngành, các cấp, chúng ta mới hiểu được tại sao lại có những tổng công ty như Vinashine (nợ 86.000 tỷ đồng). Đồng thời, chúng ta cũng hiểu rằng nền kinh tế hiện nay rỗng ruột hoàn toàn, tình trạng “để là áo, tháo là giẻ”
     Với các lý do nêu trên, sự sụp đổ của nền kinh tế hầu như không thể tránh được. Nhưng hiếm khi nào những biến động của nền kinh tế lại xảy ra độc lập, tức là không liên quan tới các vấn đề xã hội, chính trị. Điều này có nghĩa là, sự sụp đổ của nền kinh tế VN có thể có các biến thể về xã hội hoặc chính trị. Nhưng gốc rễ sâu xa, nguyên nhân chính là sự cạn kiện nguồn lực của thể chế độc tài.
     Khi tôi trao đổi với một số người về tương lai ảm đạm của nền kinh tế VN, rất nhiều người đã phản bác lại bằng câu hỏi “anh hãy chứng minh tại sao nó sụp đổ, sụp đổ bắt đầu từ đâu? xảy ra như thế nào?”. Tôi có hỏi ngược lại những người đó rằng, anh hãy lấy một ví dụ, từ trước tới nay về một Viện nghiên cứu kinh tế trên thế giới, hoặc trường đại học, hoặc các Think Talk (tạm hiểu: cơ quan nghiên cứu và dự báo chiến lược) nổi tiếng của nước Mỹ hoặc thế giới, xem đã có cơ quan nào dự báo được như vậy chưa?!? Vấn đề quan trọng nhất, nền kinh tế VN đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý của kinh tế thị trường, đi ngược lại tất cả các quy luật, lý thuyết về phát triển và điều hành, quản lý nền kinh tế, và hệ quả nhãn tiền đã hiện ra: nợ xấu ngân hàng, nợ công cao, bất động sản đổ vỡ…và quan trọng nhất, lòng tin của người dân, của giới đầu tư đã đổ vỡ hoàn toàn. Vì vậy, nền kinh tế không thể tiếp tục sự tồn tại của nó, đừng nói tới sự phục hồi và phát triển. Chúng ta chỉ có thể dựa và những yếu tố đó để suy đoán, chứ làm sao có thể nói nó sụp đổ từ đâu, diễn ra như thế nào?!?
     Trong hoàn cảnh hiện tại của nền kinh tế, vẫn có cách để chặn đứng đà suy thoái, từng bước khôi phục và phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, như bài viết “Nền kinh tế thị trường và nền kinh tế VN”, không thể có một giải pháp đơn lẻ nào về kinh tế, thậm chí, một hệ thống giải pháp nào về kinh tế có thể chặn đứng xu thế rơi tự do của nền kinh tế hiện nay. Lý do rất giản dị, tất cả các giải pháp về kinh tế từ trước tới nay chưa bao giờ chạm được vào nguyên nhân cốt lõi đưa tới tình trạng của nền kinh tế hiện nay, để thay đổi bản chất của nền kinh tế (thực hiện đúng nguyên lý kinh tế thị trường, thay đổi cấu trúc, cơ chế hoạt động và cơ chế điều hành nền kinh tế). Để làm được điều này cần một quyết tâm chính trị vô cùng mạnh mẽ, táo bạo và mạo hiểm. Đó là: Một giải pháp tổng thể về kinh tế, đi kèm với một giải pháp chính trị, đồng ý cho xuất hiện một hoặc nhiều đảng chính trị khác cùng với lịch trình bầu cử dân chủ rõ ràng, có sự giám sát của quốc tế.
     Xin được giải thích rõ, tại sao cần có  sự đột phá về chính trị mới giải quyết được việc chặn đứng đà suy thoái của nền kinh tế. Một giải pháp tổng thể về kinh tế, nếu không có đủ quyết tâm về chính trị (hay chính xác hơn, sức ép buộc phải cải tổ, nếu không sẽ bị đào thải) đảng CS và nhà nước VN sẽ không đủ sức để thực hiện và đi tới cùng sự thay đổi. Tự bản thân đảng CS không thể tự tạo đủ sức ép cũng như vượt qua được sự bảo thủ và lợi ích nhóm hiện nay. Chính vì vậy, cần phải có sức ép từ bên ngoài, để cải tổ toàn diện và triệt để nền kinh tế. Sức ép bên ngoài đó, chính là khả năng tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của đảng CS đối với đất nước trong điều kiện đa nguyên đa đảng, thậm chí, đó chính là sự tồn vong của đảng CS.
     Trong thực tế, nguồn vốn trong dân còn rất lớn. Nhưng người dân không còn một chút niềm tin nào vào nền kinh tế, vào đảng CS và cách thức điều hành, quản lý nền kinh tế hiện nay. Họ đang giữ chặt nguồn vốn, không đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất cả các giải pháp mà đảng CS và nhà nước hiện nay không thể thuyết phục họ quay trở lại đầu tư. Nhưng nếu có sự đột phá về chính trị, đảng CSVN tự đặt vào thế sống còn, cho phép các đảng phái khác xuất hiện và có lịch trình bầu cử dân chủ và quan sát viên quốc tế, họ sẽ tin đảng CSVN thực lòng muốn thay đổi, muốn cải tổ nền kinh tế tận gốc rễ và từ niềm tin này, họ sẽ quay trở lại đầu tư, nền kinh tế sẽ được giải cứu.

     II/ NHỮNG LỰA CHỌN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

     Đứng trước sự khủng hoảng toàn diện của nền kinh tế VN hiện nay, ĐCS có những lựa chọn như thế nào nhằm phục hồi nền kinh tế, cũng như để duy trì độc quyền lãnh đạo đất nước. Chúng ta sẽ tìm hiểu những tính toán của đảng CSVN, bao gồm cả những dự phòng cho tình huống xấu nhất, và những khả năng nào có thể diễn ra trong thực tế.

     1/ Lựa chọn tối ưu – không khả thi
     Lựa chọn tối ưu của ĐCSVN hiện nay, đó là sự thống nhất trong toàn đảng về mối nguy của nền kinh tế VN sẽ dẫn tới sự tồn vong của chế độ, từ đó thống nhất giải pháp cải tổ triệt để nền kinh tế, bằng một sự đột phá về chính trị. Đây chính là giải pháp tối ưu của ĐCSVN, mặc dù phải trả giá đắt không còn sự độc quyền lãnh đạo đất nước. Nhưng đây lại là giải pháp, lựa chọn ít khả năng xảy ra nhất vì bản chất của chế độ không thể thực hiện nổi giải pháp này. Chúng ta xem xét vấn đề theo từng khía cạnh.
     a/ Đánh giá đúng tình hình. ĐCS không thể đánh giá đúng tình hình của nền kinh tế đất nước vì hai lý do: 1- Không có số liệu trung thực, thông tin khách quan để đánh giá. Chúng ta đều biết, trong các chế độ cộng sản những số liệu, thông tin đưa ra hoàn toàn không chính xác, đó là những số liệu ma, chạy theo thành tích. Đây là bản chất của chế độ, từ thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa, kéo dài sang thời kỳ hiện nay, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi không có số liệu trung thực, thông tin khách quan, không thể có được sự đánh giá chuẩn xác; 2- Những người nắm giữ vận mệnh đất nước , giữ những cương vị chủ chốt không đủ khả năng để đánh giá đúng tình hình.
     b/ Tinh thần hy sinh cho công cuộc cải tổ, cải cách. Chúng ta đều biết răng, bất kỳ một công cuộc cải cách, cải tổ nào cũng phải có sự hy sinh của những người thực hiện. Đó là sự hy sinh về lợi ích, công sức và thời gian. Nhưng đảng CSVN hiện nay, sự gắn kết của các đảng viên trong đảng không còn là lý tưởng (bởi sự sụp đổ của các nước CS, XHCN trên thế giới và thực tiễn hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam) mà chỉ là sự gắn kết về lợi ích, nếu không còn lợi ích, thì không còn sự gắn kết nào duy trì ĐCS. Chính vì vậy, nói tới cải tổ, cải cách là nói tới sự hy sinh, trước hết là hy sinh lợi ích, sau đó là sự hy sinh to lớn hơn (sự độc quyền lãnh đạo đất nước) đối với các đảng viên và toàn thể ĐCS sẽ là một sự viển vông, mơ tưởng hảo huyền.
     c/ Thực trạng xung đột lợi ích trong đảng CS. Một lý do nữa, rất quan trọng để có thể khẳng định không thể có sự thống nhất trong ĐCS về một giải pháp tối ưu cho tình hình hiện nay. Đó là thực trạng tranh giành quyền lực, lợi ích giữa các nhóm và các cá nhân trong Đảng vô cùng khốc liệt hiện nay. Giả sử có một nhóm hoặc một cá nhân, nhận thức được nguy cơ của nền kinh tế dẫn tới sự sụp đổ của chế độ, người ta cũng không dám đưa vấn đề để thảo luận trong nội bộ cũng như công khai bởi đó sẽ là cái cớ (quy chụp) vô cùng lợi hại mà các đối thủ đang chờ sẵn.
     Có một ví dụ rất giản dị, nhưng vô cùng gần gũi và hữu ích, để nói về giải pháp tối ưu của ĐCS trong tình hình hiện nay. Chúng ta đều biết, nạn mãi lộ (hối lộ lực lượng cảnh sát giao thông) trên phạm vi toàn quốc hiện nay diễn ra như thế nào. Thế nhưng, đánh giá chính thức của bộ Công An, cũng như của nhà nước hiện nay chỉ là một bộ phận không nhỏ trong lực lượng CSGT có hành vi nhận hối lộ, và về cơ bản, trong toàn lực lượng vẫn bảo đảm sự trong sạch. Cứ giả sử, bộ phận không nhỏ trong lực lượng CSGT nhận hối lộ là 15-20%, thì giải pháp để xử lý, giải quyết tình trạng mãi lộ sẽ rất đơn giản: rà soát các văn bản luật, quy định dưới luật; tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện phẩm chất của cán bộ chiến sĩ; tăng cường lực lượng thanh tra, giám sát; nâng cao mức kỷ luật để răn đe…Nhưng trong thực tế, một đứa trẻ con ở Việt Nam hiện nay cũng biết, 100% các chiến sĩ CSGT nhận hối lộ (trừ những đồng chí nào bị hâm, hoặc thần kinh có vấn đề), thì giải pháp giải quyết vấn nạn mãi lộ sẽ hoàn toàn khác…100% nhận hối lộ thì vấn đề không phải là hiện tượng mà đó chính là bản chất, và bản chất đó là do cơ chế sinh ra. Việc giải quyết tận gốc vấn nạn mãi lộ là giải quyết, xóa bỏ cơ chế sinh ra nạn mãi lộ: đó là xóa bỏ việc hối lộ, đút lót trong nội bộ lực lượng CSGT để mua công việc (suất) trên các tuyến đường; xóa bỏ tình trạng nộp tiền hàng tháng, hàng ngày trên các cung đường, các vị trí trong nội bộ lực lượng CSGT…Đối với toàn bộ các ngành, các cấp và nền kinh tế hiện nay, giải quyết các vấn nạn cũng chính là giải quyết cơ chế gốc rễ của tất cả các vấn nạn, xóa bỏ cơ chế đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước…

     2/ Lựa chọn thực tế - hy vọng mong manh
     Về mặt công khai, hoặc thống nhất trong toàn đảng, không có sự đánh giá nào về khả năng sụp đổ của nền kinh tế, kéo theo sự sụp đổ, thay đổi của chế độ.  Nhưng trong thực tế, ở bộ phận tham mưu (trong phạm vi hẹp) không phải không có những đánh giá rất sát thực tế và có cả những lựa chọn, giải pháp để cứu vãn tình hình, cũng như chuẩn bị cho những khả năng xấu nhất xảy ra. Tuy nhiên, các giải pháp của bộ phận tham mưu này cũng là các giải pháp tổng thể và theo từng bước căn cứ vào những diễn biến thực tế. Đầu tiên, đó là các giải pháp công khai, để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh duy trì độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN. Sau đó sẽ là các giải pháp, cho trường hợp nếu có xảy ra sự sụp đổ của chế độ, đảng CS sẽ biến thái, biến hình nhưng vẫn giữ được sự lãnh đạo đất nước. Sau cùng, đó sẽ là những giải pháp bảo đảm an toàn cho một nhóm nhỏ trong đó có bộ phận tham mưu này. Mức độ công khai, cũng như sự phổ biến sẽ giảm dần theo các đối tượng được bảo vệ trong các giải pháp đưa ra. Mục tiêu mong đợi của các giải pháp này, trong trường hợp thay đổi chế độ, sẽ là mô hình của nước Nga thời Pu-tin hiện nay, hoặc của Hun-sen mà nhà nước VN có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ. Lực lượng làm chỗ dựa cho sự biến thái của ĐCS, hoặc sự bảo vệ trong trường hợp có biến động, đó là lực lượng “dân chủ cuội” mà an ninh VN đã dày công cài cắm và khống chế. Về cơ bản, lựa chọn thực tế này là các giải pháp thích nghi của ĐCS, hoặc một nhóm lãnh đạo kết hợp với bộ phận tham mưu để duy trì quyền lực và bảo đảm an toàn trong những tình huống xấu nhất xảy ra. Đó không phải là giải pháp lấy lợi ích của đất nước, của nhân dân làm mục tiêu tối thượng trong bối cảnh nếu thực hiện các mục đích này sẽ làm giảm nhẹ trách nhiệm trong quá khứ của ĐCS, hướng tới sự hòa giải, hòa hợp dân tộc, đưa dân tộc thực sự bước trên con đường tự do, dân chủ. Chính vì các giải pháp, lựa chọn không dựa trên các mục tiêu, mục đích trong sáng, đúng đắn, cộng thêm tình trạng phức tạp trong nội bộ ĐCS và tâm lý hoảng loạn nếu sự cố xảy ra, lựa chọn thực tế này của ĐCS rất mong manh vì những trở ngại và phức tạp sau.
     - Không có sự tập trung, sự tập hợp sức mạnh cho một mục tiêu, mục đích. Như trên đã phân tích, các giải pháp lựa chọn của ĐCS sẽ dựa theo diễn biến tình hình và đi theo các mục tiêu thứ tự đã nêu trên. Nhưng trong những tình huống khó khăn, hiểm nghèo, chỉ tập trung vào một mục đích và dồn toàn lực may ra mới hy vọng thành công.
     - Mức độ phổ biến cũng như sự tham gia của các lực lượng vào các lựa chọn rất hạn chế do các mục tiêu thực không thể tiết lộ (nếu tiết lộ sẽ dẫn tới hoảng loạn). Hiệu quả sẽ rất hạn chế bởi sự hạn chế về lực lượng và nguồn lực.
     - Rất khó để hướng tới mô hình nước Nga của Pu-tin, bởi mô hình này hình thành tự nhiên, do bối cảnh nước Nga thời hậu Xô-Viết, chứ không phải kết quả của sự lựa chọn và tính toán từ trước. Mô hình Hun-sen của Cam-pu-chia cũng khó xảy ra, bởi Hun-sen có tính chính đáng và hào quang chiến thắng khi bắt tay vào xây dựng chế độ mới. Đó là những yếu tố mà các cựu đảng viên ĐCS VN không có được, trừ trường hợp một cá nhân hoặc một nhóm phất cờ ngay trong nội bộ ĐCS thời điểm nguy cấp hiện nay.
      - Lực lượng “dân chủ cuội” mà an ninh dày công cài cắm và khống chế không thể làm chỗ dựa trong những tình huống khẩn cấp được. Lý do là lực lượng thực hiện nhưng việc này chỉ vì trách nhiệm (ăn lương, nhận tiền nếu là nhân viên an ninh, đặc tình), hoặc do sợ hãi (bị khống chế phải làm việc cho an ninh  vì có tỳ vết hoặc sợ tù đày). Khi có biến động hoặc chế độ sụp đổ, những động lực, hoặc áp lực cho việc làm của họ không còn nữa, phần lớn trong số họ sẽ không tiếp tục công việc của mình. Rất khó để có sự trung thành của lực lượng “dân chủ cuội” khi sự gắn kết không phải do lý tưởng hoặc tình nghĩa.
       - Một vấn đề rất quan trọng, khi sự cố xảy ra, sẽ có một tâm lý hoảng loạn cực lớn, có thể làm biến dạng và sụp đổ hoàn toàn các tính toán, lựa chọn sẵn có của bộ phận tham mưu cho những tình huống khẩn cấp (tình huống xấu nhất).

     3/ Những khả năng hiện thực
     Kết cục của chế độ CSVN được quyết định bởi sự suy kiệt và sụp đổ của nền kinh tế. Nhưng diễn biến của sự thay đổi lại phụ thuộc vào những biến động kinh tế - xã hội; kinh tế - chính trị và xã hội - chính trị, tức là những liên đới từ lĩnh vực kinh tế hoặc xã hội dẫn tới biến động chính trị, hoặc thậm chí đó là sự biến động về chính trị trong nội bộ ĐSCVN. Những xu hướng sau đây có thể xảy ra trong tương lai gần.
     a/ Sự đột biến về kinh tế dẫn tới đột biến về xã hội, làm sụp đổ dây chuyền các lĩnh vực kinh tế và toàn bộ nền kinh tế. Một ví dụ điển hình nhất, có thể có sự sụp đổ của một ngân hàng, dẫn tới tâm lý hoảng loạn của người dân. Người dân đổ xô đi rút tiền ở tất cả các ngân hàng, làm sụp đổ toàn bộ hệ thống ngân hàng dẫn tới đổ vỡ hoàn toàn nền kinh tế. Chúng ta không thể biết được, có những đột biến nào có thể xảy ra, khi nền kinh tế đã suy kiệt và bệnh hoạn ở tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực.
     b/ Sự đột biến về xã hội, dẫn tới những động loạn xã hội và thay đổi chế độ. Mặc dù không một ai mong muốn kịch bản này xảy ra, nhưng đây cũng là một khả năng hiện thực. Xã hội Việt Nam hiện nay, như những thùng thuốc súng (không phải là một thùng) để cạnh nhau (vấn đề Dân Oan, vấn đề Tôn giáo, đình công của công nhân, vấn đề Phong trào Dân chủ, vấn đề chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc…vv..). Hiện tại, chưa có hệ thống dây dẫn nào kết nối tất cả các thùng thuốc súng với nhau, nhưng một ứng xử thô bạo hoặc ngu xuẩn (hoặc cả hai) có thể cùng lúc làm nổ tung tất cả các thùng thuốc súng sẽ thiêu hủy chế độ trong chốc lát.
     c/ Sự đột biến trong nội bộ ĐCSVN. Nếu cách đây 3-5 năm, khả năng này không (hoặc chưa) đặt ra thì đến ngày hôm nay, sự đột biến trong nội bộ của ĐCS là một khả năng hiện thực to lớn. Ở phần trên, những người khởi xưởng cho công cuộc cải tổ toàn diện của ĐCS, nếu chỉ bó hẹp sự ủng hộ trong nội bộ ĐCS sẽ rất khó và ít khả năng thành công. Nhưng nếu khéo léo kết hợp sự ủng hộ trong ĐCS và cả xã hội, khả năng thành công không phải là nhỏ, trong khi cái giá để trả sẽ không quá đắt. Điều này có nghĩa là, cần có ngọn cờ (hay sự phất cờ) trong nội bộ ĐCS hướng tới mục tiêu tốt đẹp cho đất nước, cho dân tộc kết hợp với sự duy trì, tồn tại của ĐCS nhưng không còn trong vai trò độc quyền, độc đảng nữa. Sự bùng nổ của thông tin và khả năng truyền dẫn thông tin hiện nay cùng với xã hội dân sự (của phong trào dân chủ, các hội nhóm đoàn thể, thông tin lề trái…) sẽ là bà đỡ tuyệt vời cho những ý tưởng và hành động cao đẹp nảy mầm và bùng nổ trong nội bộ ĐCSVN. Xu hướng và trào lưu giải thể các chế độ độc tài trên thế giới cộng với áp lực quốc tế hiện nay cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy khả năng “tự vỡ” trong nội bộ ĐCSVN.

*************

     Không ai có thể biết được diễn biến những thay đổi sẽ diễn ra trong tương lai. Nhưng những lựa chọn của ĐCS hiện nay sẽ có tác động rất lớn tới tương lai của đất nước. Nhưng những lựa chọn đó, trước hết và trên hết, sẽ tác động trực tiếp và nhanh nhất đến tương lai của những người lựa chọn và đảng Cộng sản Việt Nam bởi vì diễn biến của tình hình có thể sẽ xảy ra rất sớm và rất nhanh. Lựa chọn sáng suốt nhất cần phải đặt trên nhận thức đúng đắn nhất: Sự thay đổi là không thể đảo ngược, chế độ Cộng sản Việt Nam đã đi hết chu kỳ tồn tại của nó. Tương lai của Việt Nam không có chỗ cho độc tài và những biến thể của độc tài./.


                                                   Hà nội, ngày 03/3/2014
                                                 Nguyễn Vũ Bình    


      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét