Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Chuyện cầu thủ ngoại


Chuyện cầu thủ ngoại


Trong thời gian gần đây, có khá nhiều ý kiến được đặt ra trên các diễn đàn bình luận về bóng đá, vấn đề về sử dụng cầu thủ ngoại ở V- League nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung. Có một nhận xét là, dường như đang có một sự mâu thuẫn, không rõ ràng trong cách nhìn nhận và đánh giá về vấn đề này. Thực vậy, trong cùng một tờ báo, thậm chí trong cùng một bài báo, vấn đề sử dụng cầu thủ ngoại vừa được đánh giá là yếu tố tích cực, thúc đẩy nền bóng đá, nâng tầm “Vi-lít”… thì lại cũng có ý kiến cho rằng việc sử dụng cầu thủ ngoại cản trở việc phát triển cầu thủ nội, làm thiệt hại cho nền bóng đá….và một số ý kiến còn đặt vấn đề học tập Malaysia tạm ngăn hàng ngoại để cứu hàng nội (phát triển bóng đá trẻ, cầu thủ nội).
Toàn bộ những băn khoăn, mâu thuẫn trong việc nhìn nhận, đánh giá việc sử dụng cầu thủ ngoại nêu trên là thực tế. Nếu chúng ta đặt vấn đề sử dụng cầu thủ ngoại trên những góc cạnh, lăng kính khác nhau, phân biệt rạch ròi, chúng ta sẽ thấy được vấn đề hoàn toàn không có gì phải băn khoăn, thắc mắc hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng cầu thủ ngoại của nền bóng đá Việt Nam.
Trước hết, dưới góc độ xu hướng, quy luật. Việc sử dụng cầu thủ ngoại cho các giải thi đấu bóng đá quốc gia là xu hướng chung, là quy luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới (trừ Bắc Triều Tiên, mới đây là Mã Lai và có thể một vài quốc gia khác). Quy luật về sử dụng cầu thủ ngoại cũng nằm trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa chung của thế giới. Như vậy, chúng ta không nên bàn luận và trao đổi, hay tranh luận gì về vấn đề có nên hay không nên sử dụng cầu thủ ngoại cho giải bóng đá vô địch quốc gia nói riêng và nền bóng đá nói chung nữa. Không sử dụng là đi ngược quy luật – mà hậu quả của việc đi ngược quy luật thì người Việt Nam chúng ta đã quá thấm thía, không chỉ trong lĩnh vực thể thao và bóng đá.
Như vậy, vấn đề đặt ra là sử dụng cầu thủ ngoại như thế nào? Việc sử dụng cầu thủ ngoại như thế nào cần căn cứ vào hai yếu tố chính: 1- mục tiêu của nền bóng đá Việt Nam và 2- khắc phục các yếu tố tiêu cực phát sinh từ cách thức sử dụng cầu thủ ngoại trong thời gian đã qua (từ khi bóng đá Việt Nam sử dụng cầu thủ ngoại cho đến nay). Cần nhấn mạnh một điều là, việc sử dụng cầu thủ ngoại cần đáp ứng, giải quyết cùng một lúc hai vấn đề nêu trên.
Mục tiêu của nền bóng đá Việt Nam: có lẽ không ai trong chúng ta, là người Việt Nam lại không mong muốn đội tuyển bóng đá nước nhà được thi đấu và chiến thắng trong giải đấu cấp châu lục và thế giới. Nhưng cũng không ai trong chúng ta lại tin rằng, đội tuyển Việt Nam, nếu chỉ với những cầu thủ bản xứ, trên nền một giải vô địch quốc gia sử dụng hạn chế cầu thủ nước ngoài, có thể tham gia tranh tài tại giải đấu đỉnh cao châu lục và thế giới trong tương lai gần 10-20 năm.
Việc sử dụng cầu thủ ngoại trong giai đoạn vừa qua đã nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Nhưng trước hết chúng ta phải loại bỏ suy nghĩ cầu thủ ngoại chiếm chỗ cầu thủ nội, ảnh hưởng đến sự phát triển của cầu thủ nội, đến đào tạo bóng đá trẻ. Trước đây, nền bóng đá của chúng ta khi chưa có các cầu thủ ngoại rất hạn chế, kém phát triển thì chúng ta mới mở cửa cho các cầu thủ ngoại tham gia, cả giải đấu của chúng ta đã được nâng tầm (giải bóng hay nhất Đông Nam Á), cả nền bóng đá của chúng ta có sinh lực và động lực mới. Bản thân các cầu thủ nội của chúng ta cũng có dịp cọ sát, học hỏi nâng cao trình độ….vậy nên chúng ta không nên nói rằng cầu thủ ngoại chiếm chỗ cầu thủ nội, ảnh hưởng đến sự phát triển cầu thủ nội và bóng đá trẻ. Tuy nhiên, cách sử dụng cầu thủ ngoại hiện nay đã nảy sinh hai vấn đề tiêu cực. Do số lượng người ít (đăng ký 4 cầu thủ, sử dụng tối đa 3 cầu thủ), nhưng lại có vai trò quyết định sức mạnh của đội bóng, nên số cầu thủ ngoại này được câu lạc bộ đối xử đặc biệt, dẫn tới sự phân biệt đối xử quá lớn giữa cầu thủ nội và cầu thủ ngoại. Đồng thời, vì là của quý hiếm nên các cầu thủ ngoại dễ phát sinh bệnh ngôi sao, ảnh hưởng tới trạng thái bình thường của câu lạc bộ và cả nền bóng đá. Vấn đề đặt ra là, chúng ta thừa nhận vai trò to lớn của cầu thủ ngoại đối với câu lạc bộ, nhưng cách thức sử dụng cầu thủ ngoại như thế nào để không gây ra sự phân biệt đối xử quá lớn giữa cầu thủ trong và ngoài nước, và ngăn chặn xu hướng phát sinh bệnh ngôi sao của cầu thủ ngoại.  
Để giải quyết cùng một lúc hai yêu cầu cơ bản nêu trên, chúng ta cần có sự đột phá trong tư duy, dẫn tới đột phá trong giải pháp. Đó là việc sử dụng tối đa cầu thủ ngoại cho các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt – công thức 6+5 (sáu cầu thủ nội, mang dòng máu Việt Nam và năm cầu thủ nước ngoài).
Với sự đột phá này, chúng ta hy vọng, việc sử dụng 5 cầu thủ nhập quốc tịch Việt Nam, cùng với nỗ lực vượt bậc của nền bóng đá nước nhà, chúng ta có thể tham gia sân chơi châu lục, và nhất là sân chơi thế giới sau 10-20 năm nữa. Đồng thời đối với cấp độ câu lạc bộ, việc cho phép đăng ký tối đa 10 cầu thủ ngoại, và sử dụng tối đa 5 cầu thủ trong một trận bóng sẽ giải quyết tận gốc rễ những tiêu cực phát sinh trong cách sử dụng cầu thủ ngoại hiện nay.
Để thực hiện có hiệu quả việc sử dụng tối đa cầu thủ ngoại như vậy thì cần có những nỗ lực gì từ phía các cầu thủ người Việt Nam, của các câu lạc bộ và nền bóng đá của chúng ta nói chung? Đồng thời, hệ quả của việc sử dụng tối đa cầu thủ ngoại sẽ như thế nào đối với bóng đá Việt Nam, chúng tôi sẽ phân tích trong bài tiếp theo ./.

Hà nội, ngày 23/02/2011
Trần Bình
                               Địa chỉ: phòng 406, nhà 1c, ngách 71, ngõ Gốc   Đề, phố Minh Khai, Hà Nội
Điện thoại:  0987 572 847
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét