Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Amy Chua – Mẹ Hổ: thất bại ngay từ vạch xuất phát!



Amy Chua – Mẹ Hổ: thất bại ngay từ vạch xuất phát!


Cuộc tranh luận về một bà mẹ người Mỹ gốc Hoa với phương pháp giáo dục con hà khắc theo kiểu châu Á, nhưng đã đạt được những thành tích cao trong học tập là một cuộc tranh luận thú vị. Thú vị ở chỗ từ phương pháp giáo dục con của một cá nhân, có thể suy luận đến những đề tài lớn hơn như “giấc mơ Mỹ” hoặc việc so sánh giữa Trung Quốc và Mỹ. Đồng thời, cuộc tranh luận cũng củng cố một nhận định: kiến thức không đồng nghĩa với tri thức, bằng cấp cao và nhiều không đồng nghĩa với hiểu biết. Quan điểm của tôi về vấn đề này như sau.
Mẹ Hổ (biểu hiện trong việc dạy con) là một điển hình trong việc nhầm lẫn về “giấc mơ Mỹ”. Giấc mơ Mỹ thực chất là giấc mơ tự do. Nói rằng bản thân Amy Chua là một điển hình thành công của giấc mơ Mỹ là hoàn toàn sai. Đó là một thất bại có tính điển hình. Bằng cấp cao, lương cao, nhà đắt giá chỉ là kết quả, hệ quả của giấc mơ Mỹ. Đối với người Mỹ bản địa, các thế hệ trước của họ sống trong tự do, bản thân họ sống trong tự do thì bằng cấp cao, lương cao, nhà đắt giá đơn thuần chỉ là cố gắng vươn lên của họ. Còn giấc mơ Mỹ chủ yếu đặt ra với các quốc gia đang phát triển và những người nhập cư ở Mỹ. Như vậy, đối với những người nhập cư ở Mỹ, sống trong một môi trường tự do, thì việc hòa nhập, thay đổi tâm lý, tính cách để có được suy nghĩ tự do, ứng xử tự do và tính cách tự do phải là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu bỏ qua việc này, chỉ tập trung để có bằng cấp cao, lương cao, nhà đắt giá thì dù có đạt được những kết quả này, những con người đó cũng chưa trưởng thành về tư duy, tâm lý và nhân cách.
Quyền trẻ em là một thành tựu vĩ đại của đất nước và nhân dân Mỹ. Cùng với quyền con người, sở hữu trí tuệ,.. quyền trẻ em là một trong số ít các phát kiến và thành tựu lớn nhất của Hoa Kỳ trong lịch sử. Có thể hiểu điều này trên các khía cạnh sau:
-                     Quyền trẻ em là cơ sở xây dựng ý thức tôn trọng bản thân và tính độc lập đối với mỗi cá nhân ngay từ khi còn nhỏ. Quá trình trưởng thành của cá nhân đồng thời với quá trình nhận thức tôn trọng bản thân chính là tôn trọng người khác, tính độc lập đồng nghĩa với việc tự chịu trách nhiệm trước các hành động của bản thân. Đây chính là cơ sở để một xã hội phát triển lành mạnh và bền vững.
-                     Quyền trẻ em là cơ sở xây dựng ý thức về quyền tự do của con người từ nhỏ, đồng thời là cơ sở để rèn luyện khả năng bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân từ thủa thiếu thời. Như vậy, quyền trẻ em là một yếu tố quan trọng vun đắp thể chế dân chủ trong xã hội Mỹ.
-                     Quyền trẻ em là cơ sở để phát hiện và nuôi dưỡng ước mơ, niềm đam mê của mỗi một cá nhân. Trong môi trường giáo dục toàn diện của Hoa kỳ, trẻ em được tiếp cận không chỉ là kiến thức sách vở, mà còn các lĩnh vực khác như thể dục, thể thao, các loại hình nghệ thuật… Nhờ có quyền trẻ em, những đứa trẻ được tiếp cận toàn diện các lĩnh vực từ đó phát hiện ra năng khiếu và niềm đam mê của mình. Và cũng nhờ quyền trẻ em, nhiều đứa trẻ đã giữ được và nuôi dưỡng niềm đam mê cho tới khi trưởng thành và có thể cả cuộc đời. Chính từ những niềm đam mê được nuôi dưỡng này, sự sáng tạo đã được nảy sinh và sáng tạo chính là hạt nhân của phát triển.
Amy Chua thất bại ngay từ vạch xuất phát bởi vì hoặc bà không nhận thức được đâu là ý nghĩa đích thực của “giấc mơ Mỹ’ hoặc là bà và gia đình hiểu được nhưng không đủ can đảm để đi theo. Để dễ hiểu và dễ phân tích, tôi tạm gọi những người Mỹ bản địa có căn tính (tính cách cơ bản, truyền thống) tự do, còn những người Á Đông mà Amy Chua đại diện có căn tính phục tùng. Xuất phát điểm để thực hiện “giấc mơ Mỹ” là sự nhận thức việc cần thiết phải thay đổi căn tính từ phục tùng sang tự do. Đó là một quá trình “lột xác” cực kỳ khó khăn, gian khổ mà chắc chắn phải mấy thế hệ liên tục thực hiện một cách có ý thức mới thành công được. Bỏ qua giai đoạn này, gia đình Amy Chua đã chọn cách thức dễ dàng là duy trì căn tính phục tùng để nhắm tới mục tiêu là vẻ bề ngoài, hệ quả của “giấc mơ Mỹ’. Như vậy, dù Amy Chua và gia đình không nhận ra giá trị đích thực của “giấc mơ Mỹ” hoặc nhận ra giá trị đích thực của nó nhưng vẫn lựa chọn con đường dễ dàng để đi theo vẻ bề ngoài của giấc mơ Mỹ thì Amy Chua và gia đình cũng thất bại ngay từ vạch xuất phát!
Mở rộng ra, việc so sánh giữa Trung Quốc và Mỹ là hoàn toàn không thể, dưới bất kỳ khía cạnh nào. Đối với quốc gia, vấn đề phương thức tổ chức xã hội là quan trọng nhất, thì Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn không có điểm chung để so sánh vì một bên là độc tài toàn trị, một bên là Dân chủ. Còn vấn đề kinh tế cũng vậy, một đằng là nền kinh tế thị trường sơ khai, nhà nước chi phối và là thị trường mới nổi nên được đầu tư nhiều hơn còn một bên là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, kinh tế tư nhân là chủ thể, phát triển bền vững thì không thể so sánh với nhau được. Một khi cách thức tạo ra của cải vật chất đã không giống nhau, tại sao còn so sánh số lượng vật chất được làm ra bởi hai cách thức khác nhau đó.
Còn nhận định mẹ Hổ đang dạy lũ Hổ con để chúng thống trị thế giới - có thể - với điều kiện bắt buộc: từ bỏ căn tính phục tùng!



                                                                Hà nội, ngày 11.4.11

                                                             Trần Bình




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét