Cơ chế hoạt động của các giải đấu
giải quyết tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam
Trước khi tìm hiểu cơ chế hoạt động của các giải đấu giải quyết tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam chúng ta cần hiểu được rằng, đối với các giải đấu hàng đầu thế giới như Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Pháp…việc các cầu thủ thi đấu nhiệt tình, trung thực; cơ quan điều hành giải nghiêm minh, công tâm; trọng tài khách quan, công bằng chủ yếu dựa trên ý thức tự giác, tính chuyên nghiệp của cầu thủ, trọng tài và các cơ quan liên quan. Để xây dựng được ý thức tự giác, tính chuyên nghiệp đó các quốc gia trên đã phải mất rất nhiều thời gian. Đồng thời, không chỉ trong lĩnh vực bóng đá, hầu như tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống các quốc gia đó đã hình thành ý thức tự giác, tính chuyên nghiệp của người dân ở từng lĩnh vực. Chính vì vậy, đối với bóng đá Việt Nam , trong tương quan với các lĩnh vực còn lại của xã hội, hầu như chúng ta chưa có ý thức tự giác và tính chuyên nghiệp. Vậy một cơ chế hoạt động của giải đấu, để vận hành mà giải quyết được tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam, chắc chắn nó phải khác so với cơ chế hoạt động trước đây của bóng đá Việt Nam, đồng thời nó cũng phải khác so với cơ chế hoạt động của các quốc gia hàng đầu mà chúng ta hay tham chiếu và tham khảo. Chúng ta cần phải xác định rõ điều này trước khi xây dựng cơ chế hoạt động của các giải đấu nếu không sẽ rơi vào tình trạng “chỉ muốn được mà không muốn mất”. Điều này có nghĩa là, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu của bóng đá Việt Nam (như: các cầu thủ thi đấu nhiệt tình, trung thực; trọng tài công tâm, nghiêm minh; các CLB không mắc ngoặc hay đi đêm…) nhưng chúng ta lại không muốn mất đi một điều gì đó, ví dụ như: cơ chế giải đấu không bình thường; quá nhiều CLB lên, xuống hạng…
Trên tinh thần có được, có mất tôi xin trình bày cơ chế hoạt động của các giải đấu bóng đá giải quyết tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam
I – Cơ chế tranh giải
1. Đối với giải Vô địch quốc gia: chúng ta có 14 câu lạc bộ tham gia, sau một mùa giải sẽ có 6 câu lạc bộ xuống hạng, 8 câu lạc bộ ở lại. Giải thưởng cho ngôi Vô địch quốc gia là 10 tỷ đồng, giải nhì 5 tỷ đồng và giải ba 2 tỷ đồng.
2. Giải Hạng Nhất: có 14 CLB tham gia, sau một mùa giải 6 CLB lên giải Vô địch thi đấu, 4 CLB xuống hạng nhì thi đấu và 4 CLB trụ hạng.
3. Giải hạng Nhì và các hạng đấu còn lại: số CLB lên hạng là 4, số CLB xuống hạng cũng là 4.
II – Chế độ Lương, Thưởng của cầu thủ
1. Có sự phân biệt lớn về chế độ lương của các cầu thủ ở những giải đấu khác nhau. Ví dụ: Lương tháng của các cầu thủ giải Vô địch quốc gia tối đa 50 triệu đồng/tháng, hoặc không giới hạn. Nhưng đối với giải hạng Nhất, mức trần Lương tháng cầu thủ là 25 triệu đồng. Mức trần lương tháng cầu thủ giải hạng Nhì là 15 triệu đồng/tháng…
2. Tất cả các khoản thưởng của CLB cho cầu thủ phải được xác định theo kết quả xếp hạng của CLB cuối mùa giải. Và chỉ có cuối mùa giải cầu thủ mới được nhận tiền thưởng của CLB. Ví dụ, câu lạc bộ A muốn động viên cầu thủ trong trận đấu ở vòng đấu thứ 7, ngoài việc CLB thắng trận đấu đó, các cầu thủ sẽ nhận được số tiền thưởng theo vị trí xếp hạng của CLB ở cuối mùa giải, chẳng hạn CLB trụ hạng đứng ở vị trí thứ 5 sẽ được thưởng 1tỷ đồng (trận đấu vòng 7), được thưởng 800 triệu nếu đứng thứ 6, được thưởng 600 triệu nếu đứng thứ 7, và 400 triệu nếu đứng thứ 8 …Vì có nhiều CLB xuống hạng cho nên các CLB xuống hạng vẫn có thưởng cho cầu thủ nhiệt tình thi đấu theo thứ hạng, ví dụ xếp thứ 9 thưởng 500 triệu, thứ 10 thưởng 400 triệu, thứ 11 thưởng 300 triệu…vv..
3. Các cầu thủ được tự do chuyển đổi CLB trong cùng giải đấu và từ giải đấu cao xuống giải đấu thấp hơn. Trường hợp chuyển từ giải đấu thấp hơn lên giải đấu cao hơn cần phải có thời gian bù đắp 1 năm việc tham gia đưa CLB xuống hạng. Ví dụ, cầu thủ A của câu lạc bộ B ở giải Vô địch quốc gia, câu lạc bộ B xuống hạng, cầu thủ A phải thi đấu 1 năm cho câu lạc bộ B ở giải hạng nhất, sau đó mới được phép chuyển đến CLB mới của giải Vô địch quốc gia dù cho câu lạc bộ B có lên hạng, trụ hạng hay xuống hạng.
III – Chế độ thù lao và sử dụng trọng tài
1. Trọng tài người Việt Nam chúng ta chỉ tham gia công tác trọng tài từ vòng đấu đầu tiên đến hết vòng đấu 23.
2. Ba vòng đấu cuối cùng (vòng 24-25-26) chúng ta thuê trọng tài người nước ngoài. Và để cho khách quan hơn nữa, mỗi vòng đấu chúng ta thuê trọng tài của một nước, ví dụ, vòng 24 trọng tài người Đức, vòng 25 trọng tài người Italia, vòng 26 trọng tài người Anh.
3. Trọng tài không có thù lao cố định. Mỗi trận đấu trọng tài được đánh giá theo thang điểm từ 1-10 tương ứng với số tiền mà trọng tài có thể nhận là từ 1 đến 10 triệu đồng. Nếu trọng tài bắt tốt sẽ được nhận số tiền từ 8-9 thậm chí 10 triệu đồng. Nếu bắt không tốt sẽ chỉ nhận được 1-2 triệu đồng, nếu để vỡ trận do lỗi chuyên môn thì sẽ bị phạt tiền.
4. Sẽ có một giám sát trọng tài chịu trách nhiệm đánh giá công khai và chấm điểm trọng tài ngay sau trận đấu. Biên bản đánh giá và chấm điểm công khai phải nêu rõ những mặt được và chưa được trong công tác trọng tài và tại sao lại chấm số điểm đó cho trọng tài. Qua biên bản công khai đó, dư luận cũng sẽ biết được trình độ cũng như sự công tâm của giám sát trọng tài, từ đó sẽ có hướng ứng xử thích hợp.
Với cơ chế hoạt động của các giải đấu bóng đá nêu trên, bóng đá Việt nam sẽ có những chuyển biến tích cực, có thể nói là cách mạng trên các khía cạnh sau đây:
- Tất cả các giải đấu sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt, sôi động từ đầu đến cuối giải. Có thể nói, mỗi trận đấu của từng giải đấu gần như là một trận chung kết đối với mỗi câu lạc bộ. Với số lượng các CLB lên hạng, xuống hạng nhiều như vậy sẽ tạo ra động lực mới cho các CLB, các nhà đầu tư bóng đá ở các giải đấu từ thấp đến cao.
- Các cầu thủ bắt buộc phải thi đấu trung thực, nhiệt tình bỡi lẽ nếu CLB xuống hạng, ngay lập tức thu nhập hàng tháng của các cầu thủ sẽ bị giảm do mức trần thu nhập của giải đấu hạng dưới thấp hơn hạng trên. Đồng thời, các khoản thưởng của CLB sẽ căn cứ vào thành tích, bảng xếp hạng cuối cùng của CLB cuối mùa giải. Và chỉ có nỗ lực trong suốt cả mùa giải, các cầu thủ mới bảo đảm được mức thu nhập như mong muốn.
- Các câu lạc bộ sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để trụ hạng hoặc để đoạt được thứ hạng cao hơn với các mức thưởng chênh lệch rất lớn. Sẽ không còn chuyện nhường điểm, mắc ngoặc hoặc đi đêm do quyền lợi sát sườn của từng đội bóng.
- Vấn nạn trọng tài được giải quyết dứt điểm: thứ nhất, trước vòng đấu thứ 24, những vòng đấu mà các trọng tài Việt Nam làm nhiệm vụ, sẽ chưa có CLB nào biết được số phận của đội bóng mình ra sao, nên gần như chắc chắn sẽ không có CLB nào lại bỏ tiền của, công sức đi mua trọng tài (bởi sau khi mua cũng không biết chắc số phận CLB của mình sẽ ra sao). Điều này cũng đúng đối với những tác động (nếu có) của VFF hoặc sắp tới là VPF. Thứ hai, do trọng tài không còn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các CLB, từ cơ quan chủ quản họ sẽ cố gắng công tâm với nỗ lực cao nhất về chuyên môn để hy vọng có thu nhập cao nhất từ mỗi trận đấu. Thứ ba, từ vòng đấu thứ 24 đến hết giải, tức là ba vòng đấu cuối, với các trọng tài người nước ngoài, được giữ bí mật về sự phân công tới phút cuối cùng, các CLB cũng rất khó tiếp cận để tác động tới kết quả trận đấu theo hướng có lợi cho CLB của mình.
- Một điều đặc biệt là khi áp dụng cơ chế này thì tất cả mọi người sẽ được giải thoát về tư tưởng, tức là không ai còn phải băn khoăn, lo lắng về việc làm thế nào để các cầu thủ thi đấu trung thực, nhiệt tình, chuyên nghiệp; làm thế nào để các CLB không còn quan hệ tiêu cực trong giải đấu; làm thế nào để các trọng tài nghiêm minh, công tâm và khách quan. Bản thân cơ chế hoạt động này của các giải đấu sẽ tự hoàn thiện tính chuyên nghiệp của cầu thủ, trọng tài, các CLB và các bộ phận có liên quan.
Trên đây là những nét cơ bản nhất về cơ chế hoạt động của các giải đấu khắc phục tận gốc các vấn nạn của bóng đá VN (tất cả các con số chỉ có tính chất tham khảo). Đương nhiên, không có một cơ chế nào, đề án nào có thể giải quyết được 100% các vấn nạn. Song, nếu sử dụng cơ chế trên, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm rằng những mục tiêu tốt đẹp nhất của bóng đá Việt Nam sẽ được thực hiện ở mức cao nhất có thể trong tình hình của bóng đá Việt Nam hiện nay.
Sẽ có nhiều người, hoặc các CLB phản đối vì số lượng CLB phải xuống hạng quá nhiều. Tuy nhiên, rất mong những người hoặc các CLB phản đối cơ chế này xem lại mục tiêu, mục đích của bóng đá Việt Nam . Đó là, các cầu thủ thi đấu trung thực, nhiệt tình, trọng tài thực hiện nhiệm vụ công tâm, khách quan, các CLB không mắc ngoặc, đi đêm và không có sự tác động của cơ quản lý và điều hành bóng đá vào các trận đấu và giải đấu. Từ đó sẽ kéo khán giả đến sân bóng ngày càng nhiều hơn. Vậy khi mục đích của bóng đá Việt Nam đã đạt được, việc có một số lượng nhiều hơn bình thường các CLB xuống hạng (và đồng thời số lượng lớn các CLB lên hạng) có còn quan trọng hay không. Và, chúng ta cần phải nhớ thật kỹ một điều: “chúng ta không thể chỉ có được mà không có mất”, vấn đề là được gì và mất gì?./.
Hà Nội, ngày 14/10/2011
Trần Bình