Mời quý vị và các bạn tham khảo
https://www.rfavietnam.com/blog/4362
Nguyenvubinh
Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015
Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014
NẮM TAY NHAU XÂY DỰNG NỀN DÂN CHỦ: GIẤC MỘNG VIỆT NAM
NẮM
TAY NHAU XÂY DỰNG NỀN DÂN CHỦ:
GIẤC
MỘNG VIỆT NAM!
Trong những năm qua, khi đi vào nghiên cứu,
tìm hiểu về vấn đề Dân chủ, xây dựng thể chế dân chủ, trong đầu tôi luôn có một
câu hỏi: có một thể chế dân chủ nào có thể áp dụng cho mọi quốc gia (trong trạng
thái bình thường, tức là không có chiến tranh), đều đem đến kết quả tốt đẹp
không? Làm thế nào để có được một thể chế dân chủ, để xây dựng được một thể chế
dân chủ như vậy?
Những nỗ lực nghiên cứu đã được đền đáp,
tôi tin là tôi đã tìm ra được một thể chế dân chủ có thể áp dụng cho mọi quốc
gia đạt tới đích cuối cùng: tự do của người dân. Không những vậy, thể chế dân
chủ này sẽ chỉ đường và đưa các quốc gia hòa hợp vào một thể chế lớn hơn, thể
chế dân chủ toàn cầu, mà chúng ta thường được nghe dưới cái tên Toàn cầu hóa.
Sẽ có một câu hỏi đặt ra ngay lập tức, vậy
thể chế dân chủ này so sánh với thể chế dân chủ Hoa Kỳ có điều gì giống và khác
nhau? Xin trả lời, giống ở những nguyên lý cơ bản, nhưng khác ở cách thức xây dựng
một hệ thống đồng bộ ngay từ ban đầu. Thể chế dân chủ Hoa Kỳ, thể chế dân chủ
ưu việt nhất hiện nay, là một quá trình tìm tòi, sáng tạo trong xây dựng quốc
gia Hoa Kỳ, cũng là quá trình xây dựng thể chế dân chủ Hoa Kỳ. Đó là quá trình
thử và sai vô cùng vất vả của người dân Hoa Kỳ trong suốt mấy trăm năm. Đến nay,
về cơ bản, đó là thể chế khá hoàn thiện, tuy nhiên, chưa phải là hoàn hảo.
Thể chế dân chủ mà tôi sắp trình bày, dựa
trên việc rút ra được những nguyên lý cơ bản nhất của thế chế dân chủ Hoa Kỳ,
nhưng việc áp dụng là hoàn toàn chủ động và đồng bộ trong hệ thống các mối liên
hệ hữu cơ ở tất cả các lĩnh vực. Về cơ bản, những nguyên lý đã được trình bày
trong cuốn sách Dân Chủ của tôi. Tuy nhiên, bài viết này, sẽ giải thích và
trình bày các nguyên lý đó, dưới một khía cạnh khác về thể chế dân chủ. Đó là một
cấu
trúc tự hoàn thiện bao gồm hệ thống các cơ chế tự điều chỉnh ở tất cả
các lĩnh vực.
I/ Thể chế Dân chủ - Cấu trúc tự hoàn thiện
bao gồm hệ thống các cơ chế tự điều chỉnh ở tất cả các lĩnh vực
1/ Một
số vấn đề lý luận
Trước khi đi sâu tìm hiểu thể chế dân chủ,
chúng ta cần tìm hiểu lý thuyết và lý luận về Cấu trúc tự hoàn thiện, và cơ chế
tự điều chỉnh. Một thể chế dân chủ có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia thì bản
thân nó phải có sự tự hoàn thiện bên trong cấu trúc của nó. Chính vì vậy, chúng
ta cần phải hiểu được, thế nào là một cấu trúc tự hoàn thiện.
Cấu
trúc tự hoàn thiện là một hệ thống các yếu tố bên trong tương tác lẫn nhau
luôn luôn dẫn tới sự phát triển cả về phẩm
và lượng của hệ thống hay cấu trúc đó.
Cấu trúc tự hoàn thiện nào cũng bao hàm
bên trong các yếu tố sau:
- Động lực nội tại của cấu trúc (hệ thống)
- Cơ chế thực thi, phát huy, phát triển động
lực đó
- Tính đồng bộ của hệ thống
Khi chúng ta nói tới cấu trúc tự hoàn thiện,
là nói tới cấu trúc xã hội trong đó con người tương tác lẫn nhau. Vậy các yếu tố
của cấu trúc tự hoàn thiện sẽ được hiểu như thế nào về mặt xã hội?
- Động lực nội tại của cấu trúc, đó chính
là nhu cầu chung nhất, quan trọng nhất của con người, chúng ta cần tìm ra nhu cầu
này.
- Cơ chế thực thi, phát huy, phát triển động
lực chính là cơ chế, cách thức để con người thực hiện nhu cầu chung, quan trọng
nhất đó.
- Tính đồng bộ của hệ thống xuất phát từ
nhu cầu đa dạng của con người, cũng như yêu cầu vận hành của hệ thống.
Bởi vì nhu cầu (chung) của con người là tự
nhiên, nên điều quan trọng nhất là cơ chế thực thi, thực hiện nhằm thỏa mãn nhu
cầu đó. Cơ chế này chính là hạt nhân
trong cả một hệ thống các yếu tố tương tác lẫn nhau của hệ thống.
Khi chúng ta tìm ra được nhu cầu chung,
quan trọng nhất, động lực cho toàn hệ thống, và chúng ta tìm ra, xây dựng được
cơ chế thực thi hiện thực hóa nhu cầu này, cùng với các yếu tố tương tác đồng bộ
thì hệ thống, cấu trúc đó sẽ tự vận hành đưa lại những điều tốt đẹp nhất, không
phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân hoặc tập thể nào. Đó gọi là cấu trúc
tự hoàn thiện.
Cơ
chế tự điều chỉnh: Có hai khía cạnh để
nói về cơ chế tự điều chỉnh, một là sự sắp đặt các thành tố theo một
lo-gic tương tác thúc đẩy và kiểm soát lẫn nhau giúp cho các thành tố đều phát
triển không bị thiên lệch và mất kiểm soát. Ví dụ rõ nhất là cơ chế Tam quyền
phân lập. Hai là, cơ chế tự điều chỉnh là sự vận hành của hệ thống các quy định
về kết quả và hậu quả mà chủ thể có thể lựa chọn đem lại lợi ích cho bản thân
và công việc. Đây là hệ thống các quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về sự thưởng
phạt, những lợi ích, hậu quả ở tất cả các khía cạnh, lĩnh vực của đời sống con
người. Mỗi một cá nhân, trong toàn bộ tương tác với xã hội, từ công việc đến
sinh hoạt xã hội đều cần tự điều chỉnh hành vi phù hợp với các quy định trong từng
khía cạnh, lĩnh vực của đời sống. Cơ chế tự điều chỉnh sẽ giúp nâng cao hiệu lực
và hiệu quả của cấu trúc tự hoàn thiện, đồng thời ngăn chặn ngay từ đầu những
khiếm khuyết và lệch lạc có thể dẫn tới sự phá hủy cấu trúc tự hoàn thiện của
thể chế dân chủ.
Như vậy, cấu trúc tự hoàn thiện là hệ thống
các yếu tố, trong đó có yếu tố hạt nhân, tương tác dẫn tới sự phát triển của hệ
thống. Cơ chế tự điều chỉnh giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự
hoàn thiện.
2/ Diễn giải thể chế Dân chủ dưới góc độ cấu
trúc tự hoàn thiện
a- Như phần trên có đề cập, điều quan trọng
đầu tiên của cấu trúc tự hoàn thiện là tìm ra được động lực bên trong cấu trúc.
Thể chế dân chủ có bộ khung cấu trúc là toàn thể xã hội con người trong một quốc
gia. Tìm động lực của xã hội chính là tìm hiểu nhu cầu cơ bản, quan trọng nhất
của con người sống trong xã hội. Tìm đúng nhu cầu nội tại, cơ bản, quan trọng
nhất của con người là bước quan trọng đi tới cơ chế quan trọng nhất, là hạt
nhân của cấu trúc tự hoàn thiện, của thế chế dân chủ. Đó là cơ chế bảo đảm phát
huy, phát triển động lực, nhu cầu cơ bản đó.
Từ trước tới nay, đã có nhiều sách báo,
tài liệu nói về nhu cầu quan trọng nhất của con người nói chung, nhưng có khá
nhiều sự lầm lẫn. Ví dụ, có người nhận định, nhu cầu quan trọng nhất của con
người là mong muốn được mọi người cho mình là quan trọng. Điều này nghe qua thì
có vẻ hợp lý, tuy nhiên nó không phải là tất cả. Có rất nhiều người không đi
tìm kiếm sự đánh giá của người khác về bản thân mình, họ đi tìm sự đặc biệt, sự
khác biệt của bản thân với mọi người. Cũng như vậy, việc nỗ lực tạo ra nhiều tiền,
để thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau của con người là một nhu cầu quan trọng mà
nhiều người theo đuổi, tuy nhiên, vẫn có những người không theo đuổi việc kiếm
tiền trong xã hội. Vậy thì điều gì là chung nhất, bao hàm tất cả các nhu cầu
khác biệt (mà quan trọng đối với mỗi cá nhân) đối với con người nói chung? Đó
là nhu
cầu tự thể hiện bản thân của con người. Anh này muốn tự thể hiện bản
thân bằng việc kiếm được nhiều tiền, chị kia muốn tự thể hiện bản thân bằng việc
có nhiều quyền lực. Người khác muốn tự thể hiện bản thân thông qua sự khác biệt
trọng hội họa...vv... Nhu cầu tự thể hiện bản thân là nhu cầu tối quan trọng,
chung nhất và không thể thiếu ở mỗi một con người. Như vậy, bất kỳ một xã hội
nào cũng hàm chứa một động lực nội tại cho sự phát triển và tự hoàn thiện như
nhau, bởi nhu cầu quan trọng nhất của con người là giống nhau ở tất cả các chủng
tộc, sắc tộc và các quốc gia.
b- Vậy điều gì có thể giúp cho con người
thỏa mãn, thực hiện được nhu cầu tối quan trọng đó? Đó chính là sự Tự do! Tự do
là yếu tố quan trọng nhất để con người nói chung và mỗi cá nhân nói riêng có thể
thõa mãn nhu cầu tự thể hiện bản thân. Chúng ta cần xây dựng được cơ chế bảo đảm
tự do của con người, thì xã hội sẽ phát triển và tự hoàn thiện.
Tiếp đến, yếu tố nào là quan trọng nhất bảo
đảm tự do của con người trong xã hội? Chúng ta đều biết rằng, một xã hội dân chủ
phải bao hàm nhiều yếu tố, định chế quan trọng như: tam quyền phân lập, cơ chế
tản quyền (nhà nước liên bang), đa nguyên đa đảng, các quyền cơ bản của con người,
các quyền dân sự, quyền công dân,…vv. Nhưng khi có tất cả các yếu tố này thì yếu
tố nào là quan trọng nhất, là hạt nhân cần tập trung và nhấn mạnh. Đó là yếu tố
đã từng nêu ở các cuốn sách và bài viết trước đây: khả năng tự bảo vệ các quyền con
người của mỗi cá nhân là hạt nhân quan trọng nhất của cơ chế dân
chủ, của thể chế dân chủ.
Như vậy, cơ chế để bảo đảm khả năng tự bảo
vệ quyền con người của mỗi cá nhân là cơ chế hạt nhân, quan trọng nhất trong cấu
trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ
c- Để bảo đảm, thực thi được cơ chế hạt
nhân này, cần có một loạt các điều kiện và yếu tố được thực hiện. Đây chính là
yêu cầu về tính đồng bộ của hệ thống, cấu trúc tự hoàn thiện. Có nhiều định chế
liên quan tới việc bảo đảm các quyền con người về mặt luật pháp và cơ chế thực
hiện. Nhưng quan trọng nhất trong cơ chế hạt nhân (khả năng tự bảo vệ quyền con
người của mỗi cá nhân) là TÒA ÁN NHÂN QUYỀN để mỗi một cá nhân có thể tự bảo vệ
các quyền con người của mình. Tòa án Nhân quyền chính là định chế quan trọng nhất
để thực hiện khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.
Tòa án Nhân quyền là nơi các cá nhân có thể
tự bảo vệ các quyền con người của mình, nhưng trong trường hợp cá nhân là người
nghèo, không có tiền để thuê luật sư và tham gia tố tụng thì sao? Đây chính là nơi thể hiện tính đồng bộ và ưu
việt của thế chế dân chủ lấy con người làm trung tâm, tất cả tập trung cho tự
do của con người. Đó là, tất cả các công dân đều được miễn phí khi tham gia tự
bảo vệ các quyền con người của mình tại các Tòa án Nhân quyền ở tất cả các cấp.
Hệ thống chính quyền các cấp sẽ phải có nguồn kinh phí cho việc này. Nếu chúng
ta chỉ nêu ra những cơ chế, định chế tốt đẹp bảo vệ quyền con người mà không đi
tới cùng các yêu cầu, điều kiện để bảo đảm cơ chế đó vận hành đúng và đem lại lợi
ích cao nhất cho người dân thì chúng ta không bao giờ có được sự tự do thực sự
của người dân và một nền dân chủ hiệu quả.
II/ Phương thức xây dựng thể chế dân chủ của
quốc gia
Có một điều cần lưu ý, phương thức xây dựng
thể chế dân chủ của quốc gia được nêu ra ở đây không phải là sự khác biệt hoặc
mới mẻ hoàn toàn. Thực tế, đó cũng chính là việc xây dựng các định chế cần thiết
của bất kỳ nên dân chủ nào trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, có sự nhấn mạnh,
tập trung đặc biệt vào một số định chế, đồng thời cũng có sự bổ sung, hoàn thiện
ở nhiều khía cạnh.
Trước hết, chúng ta cần khẳng định, việc
xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia bao hàm việc xây dựng các định chế cần
thiết sau: Hiến pháp Dân chủ, hay còn gọi là đạo luật cơ bản của quốc gia; cơ
chế tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp); hình thành, thành lập
các đảng chính trị (đa nguyên, đa đảng); cơ chế tản quyền, chế độ liên bang;
các quyền tự do cơ bản của con người; các quyền tự do dân sự chính trị, hay quyền
công dân,…vv…Trong quá trình xây dựng toàn bộ các định chế đó, cần chú trọng
hoàn thiện và xây dựng thêm một số định chế và nội dung quan trọng.
1/ Tập trung xây dựng thể chế dân chủ cơ sở,
là đơn vị hành chính mà người dân trực tiếp tham gia
Đây là điều khác biệt với phần lớn cách thức
xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới. Trọng tâm của thể chế dân chủ
cần phải đặt ở đơn vị cơ sở, là nơi người dân có thể tham gia trực tiếp nên việc
xây dựng các điều luật bảo đảm các quyền con người trong điều kiện hoàn cảnh cụ
thể của họ (để hiểu rõ hơn phần này, xin đọc cuốn sách Dân Chủ, chương IV, hiện
thực hóa dân chủ). Một khuynh hướng quan trọng của thế giới là toàn cầu hóa đã
giúp giảm bớt các gánh nặng vai trò quốc gia, cũng có nghĩa là giảm bớt sự tập
trung quyền lực và nguồn lực của trung ương trong xây dựng thể chế dân chủ. Như
vậy, thời điểm để xây dựng thể chế dân chủ tập trung trên bình diện cơ sở là rất
thuận lợi đối với các quốc gia.
2/ Tập trung xây dựng Tòa án Nhân quyền
các cấp và cơ chế thực thi để người dân tự bảo vệ các quyền con người của mình
Đây là cơ chế, định chế quan trọng nhất của
thể chế dân chủ, là hạt nhân trong cấu trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ
quốc gia. Chúng ta xây dựng thành công các Tòa án Nhân quyền, và cơ chế thực
thi việc bảo vệ quyền con người là chúng ta đã thành công trong xây dựng thể chế
dân chủ. Tòa án Nhân quyền cũng là yếu tố, định chế mới so với tất cả các thể
chế dân chủ hiện đang tồn tại trên thế giới. Để xây dựng thành công Tòa án Nhân
quyền và cơ chế thực thi, cần thực hiện những việc sau đây:
- Sự độc lập hoàn toàn và quyền lực tuyệt
đối trên cơ sở hiến pháp và luật pháp của ngành tư pháp nói chung và Tòa án
Nhân quyền nói riêng. Nếu không có sự độc lập, và quyền lực tuyệt đối của Tòa
án Nhân quyền, chúng ta không thể nói tới việc người dân có thể tự bảo vệ các
quyền con người của mình.
- Xây dựng đội ngũ luật sư nhân quyền độc
lập và chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý và cùng tham gia bảo vệ quyền
con người của công dân.
- Xây dựng nguồn kinh phí của nhà nước phục
vụ bảo trợ cho các hoạt động bảo vệ quyền con người của công dân trong tố tụng.
Tóm lại, ngoài việc thành lập Tòa án Nhân
quyền các cấp, nhà nước cần bảo đảm sự hỗ trợ về pháp lý và tài chính để công
dân tự bảo vệ các quyền con người của mình.
3/ Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và
cách thức xây dựng thể chế dân chủ cho người dân
Người dân là chủ thể xây dựng nên thể chế
dân chủ, nhất là khi trọng tâm của thể chế dân chủ ở cấp cơ sở, thì nhận thức của
người dân là yếu tố quan trọng. Người dân cần được trang bị đầy đủ các kiến thức
về tự do, dân chủ, về việc xây dựng thể chế dân chủ, và đặc biệt cần hiểu rõ cơ
chế để bảo vệ các quyền con người của mình. Đây là việc làm vô cùng quan trọng
nhưng hầu như chưa có một quốc gia nào thực hiện việc trang bị kiến thức cho
nhân dân về lĩnh vực này. Một mặt, các thể chế dân chủ của các quốc gia hiện
nay, chủ yếu được xây dựng trên bình diện quốc gia, không phải trên bình diện
dân chủ cơ sở, nên vai trò của người dân rất mờ nhạt. Mặt khác, các kiến thức về
tự do, dân chủ quá kinh viện, trừu tượng và khó hiểu, nên không thể phổ cấp đến
cho người dân. Chính vì vậy, để thực hiện việc trang bị kiến thức cho người dân
hiệu quả cần phải:
+ Chuẩn hóa các kiến thức về tự do dân chủ
dưới hình thức dễ hiểu, sinh động và dễ phổ biến nhất.
+ Xây dựng các học viện về dân chủ, các
khoa dân chủ học ở các trường đại học, môn học dân chủ ở các trường trung học
phổ thông để phổ biến tới mọi người trong xã hội.
Người dân càng có nhiều hiểu biết về tự do,
dân chủ thì đóng góp xây dựng nên thể chế dân chủ càng thiết thực hiệu quả và
nâng cao khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mình.
4/ Ứng dụng cơ chế tự điều chỉnh trong mọi
mặt hoạt động của đời sống xã hội
Không nghi ngờ gì nữa, việc ứng dụng cơ chế
tự điều chỉnh trong các mặt hoạt động của đời sống xã hội sẽ nâng cao hiệu lực
và hiệu quả của thể chế dân chủ. Cơ chế tự điều chỉnh, với khía cạnh là quy định
về kết quả và hậu quả những lựa chọn của cá nhân cho bản thân và công việc. Hệ
thống thưởng phạt về tác phong sinh hoạt, đi sớm về muộn tại công sở, hoặc về hậu
quả công việc sẽ đặt các cá nhân vào những lựa chọn tối ưu cho bản thân và công
việc. Một cơ chế tự điều chỉnh trong công việc là điều tuyệt đối cần thiết và cần
thực hiện ngay. Ví dụ, một phòng công tác có trưởng phòng và 10 nhân viên. Các
nhân viên có các quy định thưởng phạt chi tiết, tỉ mỉ, và hình phạt nặng nhất
là đuổi việc, nếu vi phạm một số lỗi nhất định. Trưởng phòng sẽ bị cách chức
khi có 3-4 nhân viên bị đuổi việc. Cứ như vậy, một vụ trưởng (hay cục trưởng,
viện trưởng..) cũng sẽ bị cách chức khi có đủ số lượng các trưởng phòng dưới
quyền bị cách chức theo quy định…Đó chính là cơ chế tự điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc thực thi cơ chế tự điều chỉnh
cần phải tính toán rất kỹ càng, chi tiết. Ban đầu, cơ chế này nên áp dụng vào
công việc thực thi ở các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm. Sau đó sẽ lan tỏa ra tất
cả các lĩnh vực của toàn hệ thống. Cuối cùng sẽ tới các sịnh hoạt dân sự của
người dân, khi mà người dân đã làm quen và chấp nhận cơ chế tự điều chỉnh trong
công việc.
Cần nhấn mạnh một điều, cơ chế tự điều chỉnh
là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự
hoàn thiện – thể chế dân chủ tự do.
III/ Nắm tay nhau xây dựng nền Dân chủ: Giấc
Mộng Việt Nam
Theo mạch lo-gic của cuốn sách Dân Chủ và
các bài viết của tác giả, đến nay chúng ta đã có chất liệu để có thể xây dựng
thể chế dân chủ tự do. Các nguyên lý cơ bản, và một phần lớn nội dung xây dựng
thể chế dân chủ đã được khái quát trong cuốn sách Dân Chủ. Phần đầu bài viết
này đã giải thích toàn bộ thể chế dân chủ dưới góc độ một cấu trúc xã hội được
xây dựng phát huy tối đa động lực nội tại của con người và toàn thể xã hội, đưa
tới sự phát triển và tự hoàn thiện của hệ thống, cấu trúc đó. Chúng ta cũng đã
đề cập tới phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia nói chung, áp dụng
cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta cần phải có các
bước đi, cách làm cụ thể, thiết thực dựa trên hoàn cảnh hiện tai của đất nước
và các đặc thù riêng có của Việt Nam.
1/ Những nội dung quan trọng cần chuẩn bị
trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam
Trong bài viết “ Những thách thức trong việc xây dựng thể chế Dân chủ ở
Việt Nam”, chúng ta đã đề cập tới những đặc trưng riêng của Việt Nam khi xây dựng
thể chế dân chủ. Đó là, chúng ta chưa có các lực lượng chính trị thay thế, người
dân bị bất ngờ và chúng ta chưa có kinh nghiệm làm việc chung với tư cách các tổ
chức, đoàn thể. Chính vì vậy, chúng ta cần có thời gian để thực hiện các bước
chuẩn bị quan trọng. Việc xây dựng thể
chế dân chủ là một công việc vô cùng quan trọng và phức tạp. Có cảm giác, các
quốc gia thay đổi chế độ trong thời gian vừa qua trên thế giới đã quá vội vàng
trong việc thiết lập các định chế dân chủ. Chúng ta thường nghe nói, các nước
có thời gian xây dựng hiến pháp, chuẩn bị cho tổng tuyển cử từ 6 tháng đến 1
năm. Đây là thời gian không tưởng, hầu như chẳng ai làm được gì ngoài việc copy
các hiến pháp và phương thức tổ chức sẵn có ở đâu đó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta
nên để ra 2-3 năm chuẩn bị và từ 1-2 năm cho các đảng phái, tổ chức lực lượng
chính trị vận động tranh cử. Đó là thời gian tối thiểu, nếu chúng ta muốn xây dựng
một thể chế dân chủ tự do thực sự. Vậy trong thời gian này, chúng ta cần chuẩn
bị và thực hiện những công việc gì?
a- Định hình các tổ chức, đảng phái và
lực lượng chính trị. Đây là việc vô cùng quan trọng, và cần có thời gian để
thực hiện. Chúng ta có một số đảng phái, tổ chức chính trị ở hải ngoại, khi
chuyển tiếp về trong nước, cũng phải mất một thời gian để người dân làm quen và
lựa chọn. Những tổ chức ở trong nước cũng bắt đầu được thành lập và vận động
người dân tham gia. Thời gian 2-3 năm không phải là nhiều, nhưng cũng đủ để các
tổ chức đảng phái định hình và bước vào hoạt động được.
b- Xây dựng dự thảo hiến pháp dân chủ để
xin ý kiến nhân dân. Đây là việc làm bắt buộc với bất cứ quốc gia nào bắt
tay xây dựng thể chế dân chủ. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia,
nhưng chúng ta cần một cách nhìn thoáng hơn về vấn đề này. Chúng ta chỉ nên nêu
những vấn đề quan trọng nhất trong việc định hình quốc gia, các nội dung quan
trọng nhất. Về hiến pháp mới của Việt Nam, tôi nghiêng về tinh thần xây dựng hiến
pháp của Tập hợp dân chủ đa nguyên, nhưng cần có thêm hai nội dung quan trọng: Đạo
luật về xây dựng Tòa án Nhân quyền các cấp và Đạo luật về việc bắt buộc trang bị
kiến thức cho người dân về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể chế dân
chủ.
c- Thành lập Ủy ban Hòa giải quốc gia.
Đây là nội dung rất quan trọng, không thể thiếu được đối với đất nước chúng ta.
Trong một thế kỷ qua, chúng ta đã quá chia rẽ và hận thù, cũng như xung đột
liên miên. Chúng ta cần một Ủy ban để hóa giải hận thù, để phân biệt đúng sai
và cuối cùng, để kéo mọi người lại gần nhau hơn, chung tay xây dựng đất nước. Ủy
ban Hòa giải cần thực hiện những công việc gì?
+ Xây dựng được hệ thống giá trị quy chuẩn,
dựa vào việc tham khảo hệ thống các giá trị của quốc tế, để từ hệ thống quy chuẩn
đó, đánh giá lại toàn bộ lịch sử Việt Nam, trước mắt là từ cuối thế kỷ XIX đến
nay. Những gì là đúng, là sai, là công, là tội cần được minh bạch, rõ ràng đối
với các lực lượng chính trị xã hội, đối với các cá nhân có dấu ấn trong lịch sử
nước nhà. Đây là việc rất quan trọng mà phần lớn các nước thoát khỏi họa Cộng sản
đã không thực hiện. Điều này đặc biết quan trọng với Việt Nam bởi vì một di sản
vô cùng tai hại mà Cộng sản Việt Nam đã để lại, đó là mọi giá trị trong cuộc sống
đều bị đảo lộn, khiến cho người dân không thể nhận thức được những gì là đúng,
là sai, là công, là tội…
+ Tập hợp toàn bộ các hồ sơ, các khiếu nại,
tố cáo về sự oan sai của tất cả người dân từ khi đảng Cộng sản xuất hiện tới
khi sụp đổ. Cần phân chia thành các thể loại khác nhau để có hướng xử lý. Đây
cũng là công việc bắt buộc nếu chúng ta muốn chia tay quá khứ để cùng bắt tay
xây dựng tương lai. Việc xử lý dựa trên tinh thần công khai thừa nhận sự oan
sai, khôi phục, phục hồi danh dự, phẩm giá của các nạn nhân. Nếu điều kiện kinh
tế cho phép, sẽ có sự đền bù một phần cho nạn nhân.
+ Xác định tinh thần chủ đạo trong việc xử
lý những người có trách nhiệm của chế độ CSVN. Đây là việc rất khó khăn, phức tạp
và nhạy cảm. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, khi đã có Ủy ban hòa giải
thì mọi việc phải được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch. Tinh thần chung
là học tập cách xử lý của các nước đi trước thoát khỏi họa Cộng sản, đồng thời
không làm ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng
thể chế dân chủ trong tương lai. Nhưng dù có làm cách nào, có lẽ theo tôi, vẫn
cần có một sự sám hối tập thể của những người đã cố ý hoặc vô tình đày đọa nhân
dân và dân tộc.
2/ Những nội dung cần chú trọng, nhấn mạnh
và đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ tự do
a/ Nội dung cần chú trọng: Xây dựng nhà
nước liên bang. Đây là một điều kiện, một cơ chế bắt buộc của thế chế dân
chủ. Cơ chế tản quyền, giúp cho mọi vùng, miền có các đặc thù riêng biệt có thể
phát triển và phát huy hết các lợi thế so sánh của mình. Đồng thời tránh được
những xung đột đảng phái trên quy mô quốc gia. Điều kỳ lạ là phúc lợi của cơ chế
tản quyền, của chế độ liên bang rất lớn và việc thực hiện nó rất quan trọng đối
với thể chế dân chủ tự do nhưng có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bỏ qua.
Chúng ta thấy, có các quốc gia dân chủ lâu năm như Pháp, quốc gia có thể chế
dân chủ khá lâu như Thái Lan, các quốc gia mới có thể chế dân chủ như Ai Cập,
Ucraina….đều bỏ qua định chế quan trọng này. Những quốc gia này đều có những bất
ổn và khiếm khuyết trong cấu trúc dân chủ. Đặc biệt hơn cả, chúng ta thấy, Thái
Lan là một ví dụ điển hình về thất bại của nền dân chủ liên quan trực tiếp tới
việc bỏ qua cơ chế tản quyền, chế độ liên bang. Những quốc gia vừa đề cập, nếu
chuyển sang chế độ liên bang, sẽ giải quyết cơ bản các bất ổn hiện nay.
Trên cơ sở nhận thức về lý luận, sự cần
thiết của cơ chế tản quyền, của chế độ liên bang, đồng thời rút kinh nghiệm của
các quốc gia bỏ qua yếu tố quan trọng này, chúng ta cần thống nhất, nhà nước của
Việt Nam tương lai là nhà nước liên bang.
b/ Nội dung cần nhấn mạnh: Tòa án Nhân
quyền. Chúng ta đã đề cập tới nhiều lần, về việc Tòa án Nhân quyền, cơ chế
để người dân thực hiện việc bảo vệ các quyền con người của mình là cơ chế hạt
nhân, quan trọng nhất của thể chế dân chủ tự do, của cấu trúc tự hoàn thiện.
Nhưng việc cần nhấn mạnh cơ chế này cũng là bởi, nếu thực hiện, chúng ta là nước
đầu tiên trên thế giới thực hiện việc này. Vậy nên, tính chất quan trọng là việc
mở đường của sự thành công hay thất bại của một cách tiếp cận mới trong xây dựng
thể chế dân chủ. Chúng ta thực hiện thành công cơ chế này, nội dung này, thể chế
dân chủ của chúng ta sẽ là hình mẫu trong tương lai cho các nước khác học tập
theo.
c/ Nội dung cần đặc biệt quan tâm:
Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể chế dân chủ
cho người dân. Xét đến cùng, một cơ chế, một thể chế muốn thành công phải dựa
vào sự tham gia, đóng góp, thực hiện và thực thi của người dân. Nhưng người dân
chỉ có thể tham gia khi họ nhận thức được các vấn đề, nội dung mình tham gia để
đem lại lợi ích cho chính bản thân mình. Khi chúng ta trang bị các kiến thức
này cho người dân, chúng ta không cần phải lo lắng, lo ngại nhiều về thể chế
dân chủ của mình. Bởi vì, khi người dân biết được các quyền (lợi) của mình, biết
cách thức xây dựng thể chế dân chủ đem lại quyền lợi đó, và cuối cùng, biết
cách để bảo vệ các quyền con người của mình thì mặc nhiên, đất nước sẽ có một
thể chế dân chủ tự do thực sự, tiệm cận sự hoàn hảo. Xét cho cùng, các quốc gia
chưa có được tự do thực sự cho người dân, cũng là bởi người dân chưa biết được:
tự do là gì?
************************
Chúng ta có tương lai, chúng ta có những con
người quan tâm tới việc xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai, điều chúng ta
cần là sự đoàn kết và quyết tâm. Tôi tin rằng, lịch sử sẽ lựa chọn dân tộc nhiều
đau thương và bất hạnh này (Việt Nam) để làm được điều gì đó cho nhân loại. Vậy
chúng ta có tự tin để nắm tay nhau xây dựng thành công một thể chế dân chủ nâng
đỡ và tôn vinh con người hay không? Hãy nắm tay nhau chung xây GIẤC MỘNG VIỆT
NAM!
Hà Nội, ngày 31/5/2014
Nguyễn Vũ Bình
Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014
THƯ NGỎ KÍNH GỬI NHÂN DÂN TRUNG HOA
THƯ NGỎ KÍNH GỬI NHÂN
DÂN
TRUNG HOA
Kính gửi Nhân Dân Trung Hoa!
Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Nguyễn Vũ Bình,
một công dân của Việt Nam. Tôi xin kính gửi tới quý vị những lời tâm huyết, với
tư cách người dân của một quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với quốc gia
của quý vị về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,cũng như lãnh hải ở Biển Đông.
Theo lẽ tự nhiên, có lẽ quý vị nghĩ rằng tôi viết lá thư này để
chứng minh và thuyết phục quý vị rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và
đề nghị quý vị tin vào điều đó.
Xin thưa! Hoàn toàn Không!
Quý vị có thấy rằng, tần suất và cường độ những va chạm, tranh
chấp về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng tỷ lệ
thuận với những khó khăn, nan giải về những vấn đề kinh tế – xã hội bên trong
mà nhà cầm quyền Trung Quốc đang phải đương đầu hay không?
Quý vị có biết rằng, hiện nay dư luận thế giới
đang có một đồng thuận cao nhất về “mối đe dọa Trung Quốc” sau
những gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông với các
quốc gia láng giềng hay không? (xin quý vị hãy đọc các báo chí ngoài Trung
Quốc)
Quý vị có biết rằng, điều duy nhất
mà thế giới chưa biết và đang cần biết, đó là Nhà cầm quyền Trung Quốc
có đồng nghĩa với Nhân dân Trung Quốc hay không?
Và theo quý vị thì sao?
Nếu quý vị tin rằng, nhà cầm quyền Trung Quốc đại diện cho lợi
ích của Nhân dân và đất nước Trung Quốc trong vấn đề này thì xin quý vị hãy
đồng loạt lên tiếng: Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc!
Toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc! Chúng tôi không quan tâm
tới Công ước quốc tế về Luật Biển mà chúng tôi góp phần xây dựng
nên! Chúng tôi cũng không quan tâm tới Cơ chế giải quyết tranh chấp
quốc tế, các tòa án quốc tế trong khi chúng tôi là một trong 5 nước thường trực
của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc!!!
Còn nếu quý vị vẫn cho rằng Hoàng Sa, Trường
Sa và toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc, nhưng cách thức để chứng minh điều
đó không giống với nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay thì xin quý vị hãy lên
tiếng, xin các vị hãy chứng tỏ cho thế giới thấy: Nhân Dân Trung Hoa
không phải là nhà cầm quyền Trung Quốc và Nhân Dân Trung Hoa không bao giờ là
mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của thế giới, bằng cách:
- Đề nghị nhà cầm quyền Trung Quốc đưa vấn đề tranh chấp
Biển Đảo ra các tòa án quốc tế!
- Trực tiếp lên tiếng và đề nghị tòa án quốc tế giải
quyết tranh chấp biển đảo của Trung Quốc với các nước lân cận!
- Đề nghị nhà cầm quyền Trung Quốc tôn trọng và thực hiện
đầy đủ các phán quyết của tòa án quốc tế sau này!
Kính thưa quý vị!
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, việc sử dụng các
cơ chế giải quyết tranh chấp của quốc tế thể hiện tinh thần xây dựng và ý thức
tôn trọng các cam kết quốc tế của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là những quốc
gia có vị thế và vai trò to lớn đối với quốc tế.
Cá nhân tôi luôn tin rằng, Nhân Dân Trung Hoa có đủ bản lĩnh và
trí tuệ để chấp nhận và thừa nhận các phán quyết của tòa án quốc tế, theo các
luật lệ giải quyết tranh chấp mà chính Trung Quốc cũng tham gia xây dựng nên,
đồng thời Trung Quốc cũng là một trong 5 nước thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên
Hợp Quốc.
Tôi xin kính chúc Nhân Dân Trung Hoa những điều tốt đẹp nhất!
Kính Thư!
Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2011
Nguyễn
Vũ Bình
Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỚI QUYẾT ĐỊNH TRỞ VỀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CỦA NỮ CHIẾN SĨ NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH
ĐÔI
ĐIỀU CẢM NHẬN VỚI QUYẾT ĐỊNH
TRỞ
VỀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CỦA
NỮ
CHIẾN SĨ NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH
Tôi mới nhận được email của Phong trào phụ
nữ Việt Nam hành động cứu nước, có nội dung nói về quyết định trở về nước hoạt
động của nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, cùng với các văn bản gửi tới các
chính phủ có liên quan tới Hiệp định Paris về Việt Nam. Cảm nhận ban đầu của
tôi là rất ngạc nhiên, cảm thấy thú vị, và sau cùng là khâm phục quyết định có
phần “lạ lùng” của chị Ngọc Hạnh.
Tôi ngạc nhiên bởi vì, mới chỉ cách đây
vài tuần thôi, chúng ta đã có một tù nhân lương tâm, được phóng thích và quyết
định tỵ nạn chính trị ở Mỹ (với thông báo là đi chữa bệnh). Việc ra đi của tiến
sĩ Cù Huy Hà Vũ đã làm dậy sóng trong phong trào dân chủ và cộng đồng mạng. Những
lời an ủi, bênh vực không khỏa lấp được nỗi thất vọng thực sự đối với những người
đã kỳ vọng, cũng như những người sát cánh “đồng hành tuyệt thực” cùng Anh. Việc
ra đi là quyền lựa chọn của Anh, nhưng “trở về” lại là quyết định của nữ chiến
sĩ Nguyễn thị Ngọc Hạnh, một quyết định thật bất ngờ, và hết sức thú vị.
Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh là ai? Rất
ít người, cả những người đấu tranh dân chủ trong nước, biết về Chị và những
đóng góp, hy sinh của Chị. Chị sinh năm 1956, tại Kiên Giang, đã chịu án tù 5
năm trong nhà tù CSVN vì đấu tranh và có ý định vượt biên. Sau khi vượt thoát
thành công khỏi Việt Nam năm 1987, Chị lại 2 lần bị bắt và ở tù tại Anh (8
tháng) và Mỹ (5 năm) vì phản đối các phái đoàn ngoại giao của nhà nước Cộng sản
Việt nam. Tại các phiên tòa nước ngoài, Chị đã sử dụng phiên tòa để công khai
lên án chế độ Cộng sản Việt nam. Hình thức đấu tranh của Chị ban đầu không có
nhiều sự hưởng ứng, nhưng càng về sau, người ta mới thấy hết được những giá trị
và sự hy sinh to lớn những việc làm của Chị (tham khảo thêm về chị Ngọc Hạnh: http://ptpnvnhdcnblog.wordpress.com/2013/09/15/ban-thao/).
Có thể nói, quyết định trở về hoạt động
trong lòng chế độ Cộng sản Việt Nam một cách công khai của Chị, là một quyết định
táo bạo, dũng cảm và vô cùng ý nghĩa. Quyết định trở về của Chị tiếp thêm sức mạnh
cho tất cả những người đấu tranh dân chủ trong nước; nó khuyến khích và động
viên những người Việt hải ngoại mong muốn
về quê hương tham gia, tiếp sức cho cuộc đấu tranh sôi động và đầy hy vọng,
trong những giờ phút tồn tại cuối cùng của chế độ Cộng sản Việt Nam. Quyết định
là của Chị, Chị cũng đã biết cái giá phải trả thông qua trường hợp trở về can đảm
của thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung. Đối với Chị, những sự trả giá đó không là gì so
với ý nghĩa của việc trở về hoạt động, sát cánh cùng anh em dân chủ trong nước
trong những ngày tháng hào hùng sắp tới.
Chúc Chị, nữ chiến sĩ dân chủ can trường
Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, thật khôn khéo và giữ vững tinh thần trong bước đường
gian truân nhưng đầy hào khí sắp tới.
Chúng tôi, những người đấu tranh dân chủ
trong nước luôn ủng hộ Chị, và sẽ sát cánh bên Chị trong bước đường tranh đấu sắp
tới, khi Chị có mặt trên quê hương Việt Nam thân yêu ./.
Hà Nội, ngày 27/4/2014
Nguyễn Vũ Bình
Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014
NHỮNG THÁCH THỨC TRONG VIỆC XÂY DỰNG THỂ CHẾ DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM
NHỮNG
THÁCH THỨC TRONG VIỆC XÂY DỰNG
THỂ
CHẾ DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM
Đất nước Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa
của sự thay đổi lớn lao nhất trong suốt chiều dài lịch sử. Tự do cho người dân
Việt Nam và Dân chủ cho toàn xã hội. Đứng trước thời khắc lịch sử này, chúng
ta, những cá nhân, những tổ chức đã chuẩn bị những gì để đóng góp vào công cuộc
xây dựng thể chế dân chủ của đất nước? Nhìn sang các nước láng giềng Phi-lip-pin
và Thái lan, các nước đã có nền dân chủ mấy chục năm, chúng ta không khỏi lo lắng,
ái ngại. Xa hơn về không gian, nhưng gần hơn về thời gian xây dựng thể chế dân
chủ là các nước “Mùa Xuân Ả Rập”, đặc biệt là Ai Cập, một đất nước hỗn loạn và ẩn
chứa nhiều bất ổn. Ukraine, Nga, các nước đã chuyển đổi thể chế dân chủ từ sự sụp
đổ nhanh chóng và khá bất ngờ của các chế độ Cộng sản, cũng lại là sự bất ổn,
mong manh. Theo khảo sát tình trạng Dân chủ ở 167 quốc gia và cố gắng định lượng
chỉ số dân chủ do tạp chí The Economist ở Anh tiến hành, chỉ có 28
quốc gia được đánh giá là các nước có chỉ số dân chủ đầy đủ, 53 quốc gia có thể
chế dân chủ khiếm khuyết, 29 quốc gia có thế chế chính trị hỗn hợp, 54 quốc gia
là chính thể chuyên chế. Một cách đánh giá bao quát hơn, trong số trên 150 quốc
gia có đầy đủ các định chế của một nền dân chủ như: hiến pháp dân chủ, các đảng
phái chính trị (đa nguyên, đa đảng), tam quyền phân lập, tự do ngôn luận, tự do
báo chí, lập hội và hội họp…nhưng chỉ có trên dưới 30 quốc gia được xem là dân
chủ tự do, số còn lại, hơn 120 nước được cho là chỉ có dân chủ trong tuyển cử. Tại
sao các quốc gia đều có các định chế dân chủ như nhau, mà hơn 2/3 số nước lại
không có được tự do thực sự của người dân?!? Với một tỷ lệ như vậy, khi Việt
Nam chuyển sang chế độ dân chủ, chúng ta sẽ chen chân vào top 30 quốc gia dân
chủ tự do, hay cũng sẽ nằm lại trong số hơn 120 quốc gia chỉ có dân chủ trong
tuyển cử? Đành rằng chuyển từ thể chế độc tài toàn trị Cộng sản, sang một thể
chế dân chủ khiếm khuyết (dân chủ tuyển cử) đã là một bước tiến vĩ đại đối với
dân tộc Việt Nam. Người dân sẽ được tự do hơn rất nhiều, và mức sống cao hơn hẳn
so với khi sống trong chế độ cũ. Nhưng ai cấm chúng ta, những người con dân đất
Việt, tìm ra những khiếm khuyết và thiếu sót trong các thể chế dân chủ hiện
hành và cách thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới, để từ đó khắc
phục các khiếm khuyết, thiếu sót đó, xây dựng một nền dân chủ tự do thực sự cho
đất nước Việt Nam.
Xây dựng thể chế dân chủ để đem lại tự do,
dân chủ thực sự là một thách thức vô cùng lớn. Trước hết, đó là thách thức đặc
thù, của một nước Việt Nam, với đầy đủ khó khăn và thuận lợi trong công cuộc
xây dựng nền dân chủ vĩ đại. Nhưng thách thức lớn hơn nhiều, đó là vượt qua được
lối mòn tai hại của cách thức xây dựng thể chế dân chủ phổ biến hiện nay trên
thế giới.
I/ Những thách thức đặc thù Việt Nam trong
quá trình xây dựng thể chế dân chủ
Việt Nam là một nước có thể chế chuyên
chính, độc tài toàn trị Cộng sản. Nhưng có sự khác biệt hơn so với Liên Xô và
các quốc gia Đông Âu trước khi sụp đổ, đó là Việt Nam đã có một thời gian khá
dài hội nhập với thế giới. Nền kinh tế đã tiếp xúc, làm quen với kinh tế thị
trường, các quan hệ quốc tế đã rộng mở, nhận thức của người dân có rất nhiều
thay đổi từ tiến trình này. Tuy nhiên, về khía cạnh chính trị, nhà cầm quyền Việt
Nam đã thành công trong việc độc quyền tồn tại một đảng Cộng sản giữ vai trò
lãnh đạo đất nước. Cũng chính vì sự độc quyền về chính trị này, với sự can thiệp
của chính trị vào tất cả các lĩnh vực (dù cách thức can thiệp có khác trước
đây), nền kinh tế Việt Nam đã phá sản hoàn toàn, xã hội Việt Nam bị dồn nén
cùng cực và sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Việt Nam đã hiển hiện trước mắt. Hậu
quả của việc chỉ có một đảng chính trị (đảng Cộng sản Việt Nam) thật là tai hại
trong hoàn cảnh chế độ sụp đổ không có lực lượng chính trị thay thế.
1/ Thách thức lớn - không có lực lượng
chính trị thay thế
Chúng ta đều biết rằng, khi một chế độ sụp
đổ, nếu có lực lượng chính trị thay thế, xã hội sẽ giảm bớt được rất nhiều sự hỗn
loạn, không có khoảng trống quyền lực, một hoàn cảnh nguy hiểm đưa tới thời cơ
cho những kẻ cơ hội chính trị. Bối cảnh về các lực lượng chính trị tại Việt Nam
hiện nay, chỉ có một đảng chính trị, là đảng Cộng sản, các lực lượng đối lập có
một số tổ chức ở hải ngoại nhưng chưa xây dựng được cơ sở tại Việt Nam (về cơ bản).
Khi sự sụp đổ chế độ xảy ra, đảng Cộng sản là thủ phạm đưa đất nước vào ngõ cụt
dẫn tới sự sụp đổ chắc chắn không còn vai trò, tiếng nói gì (với tư cách một lực
lượng chính trị) trong việc xây dựng chế độ mới. Các đảng phái hải ngoại, dù có
chuyển toàn bộ bộ máy từ nước ngoài về trong nước, cũng không thể kịp xây dựng
thành một tổ chức hoàn chỉnh để có thể thay thế vai trò của đảng Cộng sản Việt
Nam. Người dân trong nước, trừ một số người tham gia và quan tâm tới vấn đề đấu
tranh dân chủ, phần lớn còn chưa biết tới sự tồn tại của các tổ chức, đảng phái
đó. Chính vì vậy, cần có một thời gian để xây dựng các tổ chức chính trị. Hệ quả
của việc không có một lực lượng chính trị thay thế, là các lực lượng chính trị,
các tổ chức đảng phái sau này được lập ra, hoặc được đưa từ nước ngoài về (để
hoàn thiện) có vai trò như nhau, không có lực lượng nào, tổ chức nào chiếm ưu
thế. Điều này đòi hỏi một quá trình làm việc chung, vừa hợp tác vừa đấu tranh,
những hoạt động rất xa lạ với phần lớn người dân trong nước.
2/ Phần lớn người dân bất ngờ khi chế độ sụp
đổ, cả xã hội chưa có sự chuẩn bị cho việc thay đổi chế độ.
Không chỉ có những người dân thường, kể cả
những người đấu tranh dân chủ, rất nhiều người không nghĩ, và không tin chế độ
Cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Đây là điều hết sức bình thường,
ngoài việc sự kiện sụp đổ của một chế độ là vấn đề quá lớn, quá phức tạp thì
nguyên nhân khiến cho phần lớn người dân bất ngờ và không nghĩ có sự thay đổi
chế độ trong thời gian ngắn tới đây là do:
- Hàng ngày, hàng giờ người dân tiếp xúc với
hệ thống công quyền của chế độ, vẫn thấy nó hùng vĩ và không có gì thay đổi so
với trước đây.
- Người dân bị bưng bít thông tin về những
vấn nạn kinh tế, xã hội, chính trị. Về kinh tế, số liệu không chính xác và bị
bóp méo, cũng như cách giải thích né tránh khủng hoảng sâu sắc và toàn diện của
nền kinh tế. Về xã hội, chính trị, họ không biết được quá trình cướp đất của
quan chức, của nhà nước đã tạo ra đội ngũ dân oan hàng triệu người trên khắp mọi
miền đất nước. Sự đàn áp và dồn nén không trừ một tôn giáo nào khiến cho hàng
triệu tín đồ phẫn nộ. Sự nhu nhược của nhà cầm quyền trước sự thôn tính và bành
trướng của Trung Quốc trên biển Đông và trên khắp đất nước khiến cho bao thanh
nien, trí thức căm phẫn, uất hận…tất cả là một sự dồn nén đến cùng cực của xã hội.
- Điều quan trọng nhất, rất nhiều người
không nghĩ và không tin có sự thay đổi chế độ trong tương lai gần là do người
ta không nhìn thấy lực lượng nào, tổ chức nào thách thức sự lãnh đạo của đảng Cộng
sản Việt nam. Người ta luôn nghĩ, muốn thay đổi một chế độ thì phải có lực lượng
thách thức, đánh đổ đảng Cộng sản và thể chế hiện thời. Người ta không biết,
không nghĩ và không tin rằng, chế độ Cộng sản Việt Nam có thể sụp đổ chỉ giản dị
là hết tiền để nuôi, duy trì hệ thống khổng lồ, giúp cho đảng Cộng sản độc quyền
lãnh đạo đất nước. Người ta không biết rằng, sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ
đã đến cùng lúc với một nền kinh tế hoang tàn, niềm tin đổ vỡ hoàn toàn, cùng sự
dồn nén cùng cực của rất nhiều giai tầng trong xã hội. Chính vì vậy mà tuy sống
trong khó khăn, cảm nhận sự bức bối, nhưng phần lớn người dân không nghĩ rằng sẽ
có sự sụp đổ của chế độ trong tương lai gần.
Đây là thách thức không nhỏ, cho quá trình
xây dựng thể chế dân chủ. Bởi vì người dân quá bất ngờ, sự hoảng loạn sẽ diễn
ra rất khốc liệt gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình xây dựng thể chế dân
chủ trong tương lai.
3/
Phần lớn người Việt nam chưa có kỹ năng làm việc tập thể một cách tự nguyện,
các tổ chức, lực lượng chính trị chưa có kinh nghiệm hợp tác, đối thoại trong
những công việc chung.
Như chúng ta biết, người dân Việt Nam có
nhiều phẩm chất tốt, cao đẹp, nhưng cũng có nhiều nét tính cách hạn chế, khiếm
khuyết. Một trong số hạn chế lớn là khả năng, kỹ năng làm việc chung, tập thể.
Có nhiều người gọi khiếm khuyết này, ở phạm vi hẹp, là kỹ năng làm việc theo
nhóm. Ở quy mô lớn hơn, gọi là văn hóa tổ chức. Đây đúng là hạn chế, khiếm khuyết
lớn trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai. Thực ra, từ trước
tới nay, người Việt Nam chúng ta cũng vẫn làm việc trong nhiều tổ chức khác
nhau. Tuy nhiên, đó là việc làm có tính chất bắt buộc (tham gia các đoàn thể),
làm việc ở cơ quan. Nhưng những công việc xây dựng thể chế dân chủ, tính chất tự
nguyện rất rõ nét và chiếm ưu thế, thì chúng ta yếu và thiếu trầm trọng kỹ năng
cũng như kinh nghiệm làm việc. Mặt khác, do chưa có các tổ chức chính trị, đoàn
thể tự nguyện, nên chúng ta cũng rất hạn chế trong việc phối hợp, hợp tác và đối
thoại giữa các tổ chức, đơn vị đoàn thể với nhau cho các công việc chung. Ở hải
ngoại, chúng ta cũng có một số tổ chức, đoàn thể nhưng kinh nghiệm qua nhiều
năm cho thấy, hiệu quả phối hợp, làm việc chung và đối thoại rất hạn chế và
khiêm tốn.
Đi sâu vào nghiên cứu lịch sử, chúng ta biết
rằng, trước đây tổ tiên của chúng ta, thậm chí đời ông của chúng ta hiện nay,
cũng không phải không có kinh nghiệm làm việc chung. Chúng ta có “lệ làng” ở tất
cả các vùng nông thôn, được tổ chức và điều hành hoạt động rất hay và hiệu quả.
Nhưng đến thời kỳ Cộng sản, những nét tính cách, văn hóa đó bị phá hủy vì bị
đánh đồng với văn hóa phong kiến. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Sau khi mở cửa,
hội nhập, những nét văn hóa và lễ hội đang dần được phục hồi, đi kèm theo là
cách thức làm việc chung, tự nguyện đang được gây dựng trở lại.
Trên đây là khái quát những khó khăn,
thách thức đặc thù trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai.
Còn rất nhiều thách thức đặc thù Việt Nam trong việc này, như tâm lý bầy đàn
khá đậm nét của người Việt Nam, thói háo danh, hư danh và sĩ diện cũng rất trầm
trọng. Hạn chế về những kiến thức xã hội, nhân văn và quản trị xã hội trong môi
trường giáo dục Việt nam cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình xây dựng nền
dân chủ. Tuy nhiên, với tất cả các thách thức đặc thù Việt nam, cũng chỉ chiếm
30% nỗi lo lắng, lo ngại Việt Nam không xây dựng thành công thể chế dân chủ hiệu
quả. Số phần trăm còn lại, 70% lo lắng giành cho việc chúng ta sẽ rơi vào “lối
mòn tai hại’ của việc xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới. Mặt
khác, nếu chúng ta thoát được “lối mòn tai hại” của việc xây dựng nền dân chủ,
chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết các thách thức đặc thù của Việt nam.
II/ Thách thức lớn nhất: khiếm khuyết, nhầm
lẫn và thiếu sót trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ phổ biến hiện nay
trên thế giới.
1/ Khảo sát sơ lược các nền dân chủ, một số
vấn đề lý luận
Như phần đầu bài viết có đề cập, thế giới
có trên 150 quốc gia, có thể chế dân chủ, nhưng chỉ có xấp xỉ 30 quốc gia, có
được dân chủ tự do. Cách xem xét về chỉ số dân chủ, cũng cho kết quả tương tự,
gần 30 quốc gia có chỉ số dân chủ đạt mức dân chủ đầy đủ. Vấn đề là, tất cả 150
quốc gia ấy, đều cơ bản có các định
chế dân chủ, bao gồm hiến pháp dân chủ, cơ chế tam quyền phân lập, các quyền
con người tự nhiên và dân sự…mà tại sao chỉ có chưa đến 30 quốc gia có tự do
cho người dân. Điều này cũng có nghĩa là, phần lớn các quốc gia có đầy đủ các định
chế dân chủ nhưng người dân chỉ có dân chủ trong tuyển cử, chứ không có dân chủ
tự do thực sự. Tại sao và vì sao???
Đi sâu vào xem xét, trong số gần 30 quốc
gia đạt được dân chủ tự do, hay chỉ số dân chủ đạt mức dân chủ đầy đủ, chúng ta
thấy có ba trường phái để xem xét, nghiên cứu. Đầu tiên là Nhật, Đức, hai quốc
gia xây dựng thể chế dân chủ sau khi chế độ độc tài đổ vỡ hoàn toàn, nhưng lại
có bước tiến thần kỳ nhất. Tiếp theo là những quốc gia châu Âu, điển hình là
các nước Tây-Bắc Âu. Cuối cùng là trường
hợp của Hoa Kỳ.
Trường hợp của Nhật, Đức, chúng ta không
thấy có một sự khác biệt nào về hiến pháp, về các định chế dân chủ so với các
quốc gia khác. Đồng thời, chúng ta cũng không nghe ai nói, ca ngợi gì về nền
dân chủ của hai nước này. Vậy sự thần kỳ có được là do đâu? Trước hết, cả hai
quốc gia đều có truyền thống dân chủ trước khi các chế độ độc tài được lập ra
và bị xóa sổ. Nhưng quan trọng hơn, người Nhật và người Đức đều có các yếu tố
quý giá sau đây trong tính cách, văn hóa dân tộc: tự trọng, kỷ luật và tự tôn
dân tộc rất cao. Điều này có nghĩa là, cùng thể chế dân chủ như nhau (mới chỉ
là điều kiện cần), họ còn có các yếu tố văn hóa và tâm lý dân tộc giúp cho đất
nước và nền dân chủ phát triển, đạt được các kết quả thần kỳ đó. Cũng không thể
bỏ qua một yếu tố nhỏ khách quan, là sự hỗ trợ tuyệt đối của Mỹ sau thế chiến
thứ hai cho hai quốc gia này.
Đối với các nước Tây - Bắc Âu, cũng có nét
tương tự, tuy rằng biểu hiện có khác nhau. Chúng ta cũng chỉ nghe nói, các nước
Bắc Âu, có cuộc sống và mức phúc lợi cao, chứ cũng chưa hề nghe nói về nền dân
chủ có sự khác biệt nào về thể chế so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, các quốc
gia Tây - Bắc Âu có truyền thống dân chủ lâu đời, lại nằm trong vòng ảnh hưởng
của đạo Cơ Đốc, đạo Tin Lành, những tôn giáo có sự khoan dung, chấp nhận các
khác biệt ở mức độ cao. Như vậy, tâm lý và văn hóa của các quốc gia châu Âu
cũng vẫn là yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng nền dân chủ tự do của họ.
Vậy có quốc gia nào, mà sự phát triển của
đất nước họ, tự do của người dân chỉ đơn
thuần dựa vào thiết chế dân chủ của họ không? Câu trả lời: Có! đó chính là
Hoa Kỳ. Tại sao? Tại vì Hoa Kỳ là quốc gia đa sắc tộc, đa tính cách và đa văn
hóa (Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ). Họ không có một dân tộc thuần nhất (đã hình thành)
trước khi xây dựng thể chế dân chủ. Đồng thời, quá trình xây dựng thể chế dân
chủ cũng chính là quá trình dung nạp các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau.
Chúng ta không thể nói, Hoa Kỳ là dân tộc có tâm lý và văn hóa phù hợp với sự
phát triển được, mà chúng ta chỉ có thể nói, sự phát triển của nền dân chủ, của
đất nước Hoa Kỳ là do chính từ thể chế dân chủ của nó. Đây là kết luận vô cùng
quan trọng và giá trị, có nghĩa là các quốc gia có thể xây dựng thể chế dân chủ
bảo đảm tự do của người dân và khả năng phát triển đất nước không phụ thuộc vào
tâm lý và văn hóa dân tộc. Đây cũng chính là điều mà nền dân chủ Hoa Kỳ được ca
ngợi và học theo trên toàn thế giới.
Một câu hỏi quan trọng tiếp theo, vậy tại
sao, các quốc gia chuyển đổi thể chế, chế độ xã hội sau này (thậm chí hiện
nay), có đầy đủ hiến pháp, cơ chế tam quyền phân lập, quyền tự do ứng cử và bầu
cử, tự do lập hội và hội họp, tự do ngôn luận và báo chí, …có các cơ quan đại
diện pháp luật không thiếu và không kém gì Hoa Kỳ lại không thể phát triển được
như vậy?
Phải chăng các nền dân chủ sau này chưa
tìm được các nguyên lý, yếu tố cốt lõi quyết định tự do cho người dân và sự
phát triển của nền dân chủ và đất nước Hoa Kỳ để từ đó xây dựng thể chế dân chủ
đặt trọng tâm và xoay quanh các nguyên lý và yếu tố đó?
(câu trả lời đầy đủ và
rõ ràng có trong cuốn sách Dân Chủ - Nguyễn Vũ Bình)
Câu trả lời là đúng như vậy, tất cả các lý
thuyết và sách báo về vấn đề dân chủ không chỉ ra được, đâu là những nguyên lý
cốt lõi, đâu là yếu tố hạt nhân của nền dân chủ Hoa Kỳ và làm thế nào để xây dựng,
thực hiện, thực thi được các nguyên lý, yếu tố đó. Khi tôi đi vào tìm hiểu,
nghiên cứu lý thuyết, nguyên lý về tự do, về dân chủ, về việc xây dựng thể chế
dân chủ, tôi đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện ra rằng, không có một định nghĩa
chung về dân chủ. Thật kỳ lạ! các sách báo còn chỉ ra rằng, tính đến những năm
60 của thế kỷ XX, có trên 500 định nghĩa, khái niệm về dân chủ!!! Chúng ta biết
rằng, định nghĩa, khái niệm của một thuật ngữ chính là để chỉ ra yếu tố cốt lõi
nhất của nội hàm khái niệm đó. Vậy mà chúng ta có, tính đến những năm 60 thế kỷ
trước, trên 500 định nghĩa, có nghĩa là chưa chỉ ra được yếu tố cốt lõi, của
khái niệm, của nền dân chủ. Như vậy, việc chưa tìm ra các yếu tố, nguyên lý cốt
lõi và cách thức xây dựng, thực hiện và thực thi các yếu tố đó trong các thể chế
dân chủ sau này chính là nguyên nhân dẫn tới các nền dân chủ chỉ dừng lại ở mức
dân chủ tuyển cử, không có được nền dân chủ tự do mà người dân hằng mong đợi.
2/ Những yếu tố cốt lõi của thể chế dân chủ
và thách thức trong việc xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai.
a/ Những yếu tố cốt lõi của thể chế dân
chủ
Có hai yếu tố quan trọng nhất của thể chế
dân chủ Hoa Kỳ, giúp cho thể chế này vượt qua mọi cam go, thử thách đưa nhân
dân và đất nước Hoa kỳ tới vị thế ngày nay trên thế giới. Thứ nhất, đó là sự
bình đẳng của các cá nhân, của mọi công dân trước pháp luật. Đây chính là tiền
đề của dân chủ. Thứ hai, ý thức tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân, khi
có các cơ chế thực hiện, sẽ trở thành khả năng tự bảo vệ các quyền con người của
mỗi cá nhân trong xã hội. Đối với xã hội Hoa Kỳ, sự bình đẳng ban đầu của những
cá nhân tham gia xây dựng thể chế dân chủ là tự nhiên (quá trình xây dựng thể
chế dân chủ Hoa Kỳ cũng chính là quá trình hình thành và xây dựng quốc gia Hoa
Kỳ), còn đối với tất cả các quốc gia khác sau này, đó là quá trình xây dựng tiền
đề của dân chủ: Là sự chấp nhận và thừa nhận sự khác nhau và khác biệt của mỗi
cá nhân con người, mỗi một nhóm người, tập thể đại diện cho từng sắc tộc, tôn
giáo, vùng và địa phương.
Ý thức tự bảo vệ quyền con người của người
dân được bảo đảm bới các yếu tố: 1- nhận thức của người dân về tự do, dân chủ;
2- sự tham gia trực tiếp của người dân vào việc xây dựng thể chế dân chủ; 3- cơ
chế bảo vệ quyền con người để người dân có thể tự bảo vệ quyền con người của
mình.
b/ Thách thức lớn nhất trong việc xây
xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai
Các nước chuyển đổi thể chế chính trị, từ
các hình thức độc tài sang thể chế dân chủ phần lớn thực hiện các bước đi và hoạt
động sau: Xây dựng hiến pháp (phần lớn thuê các chuyên gia hiến pháp nổi tiếng
thế giới); định hình các đảng phái chính trị; ấn định lịch trình bầu cử, công bố
và xin ý kiến nhân dân về hiến pháp mới…Điều đáng lưu ý là các hoạt động này được
tiến hành trước hết và chủ yếu trên bình diện quốc gia. Các hoạt động xây dựng
thể chế dân chủ vùng và địa phương được thực hiện sau và không phải là trọng
tâm xây dựng thể chế dân chủ của các quốc gia. Nội dung xây dựng thể chế dân chủ
của các quốc gia bao gồm: Xây dựng cơ chế tam quyền phân lập; xây dựng các thiết
chế luật pháp bảo đảm các quyền tự do cá nhân của con người, ví dụ quyền sống, quyền
sở hữu tài sản, quyền tự do ngôn luận…; xây dựng các thiết chế, luật pháp bảo đảm
quyền công dân (quyền tự do chính trị, dân sự), ví dụ quyền tự do ứng cử và bầu
cử, tự do hội họp và lập hội, tự do báo chí…
Thông qua cách thức và nội dung xây dựng
thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới, chúng ta có nhận xét sau:
* Việc xây dựng thể chế dân chủ chủ yếu
trên bình diện quốc gia. Vai trò của người dân là hết sức mờ nhạt.
* Không có sự nhấn mạnh, ưu tiên nào trong
tất cả các định chế được đề cập
* Không có cơ chế để người dân tự bảo vệ
quyền con người của mình
Có thể hình dung, toàn bộ quá trình xây dựng
thể chế dân chủ trên thế giới hiện nay mới chỉ xây dựng phần “xác” của thể chế
dân chủ. Phần “hồn” của thể chế dân chủ, chính là nhận thức của người dân về tự
do, dân chủ, về cách thức xây dựng tự do dân chủ; sự tham gia của người dân
trong xây dựng thể chế dân chủ; và cuối cùng, ý thức và khả năng tự bảo vệ quyền
con người của người dân mới giúp cho thể chế dân chủ hoạt động hiệu quả, có cả
xác và hồn.
(xem thêm bài viết: Tại
sao Ai Cập? Tại sao Dân chủ? – Nguyễn Vũ Bình)
**********************
Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn,
xây dựng thể chế dân chủ từ con số không, giống như một ngôi nhà cũ được đập bỏ
và xây mới hoàn toàn. Dù có rơi vào “lối mòn tai hại” trong cách thức xây dựng
thể chế dân chủ hiện nay, thì nhân dân và đất nước cũng bước sang một trang sử
mới. Sức bật của đất nước gần 100 triệu người dân vừa thoát khỏi chế độ độc tài
là rất đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhận thức được những hạn chế của phần lớn các nền
dân chủ hiện nay, chúng ta có thể tránh được các giới hạn, tạo lập một thể chế
dân chủ hiệu quả, tạo ra sự khác biệt và rút ngắn được thời gian tiến kịp các
nước phát triển hiện nay. Chúng ta sẽ có cơ hội, chúng ta cần nhận thức và quyết
tâm, để xây dựng thể chế dân chủ cả thế giới phải ngưỡng mộ và học tập, chúng
ta hãy cùng nhau xây dựng Giấc Mộng Việt Nam./.
(Xin mời quý vị đón đọc
bài cuối cùng trong loạt bài này: Nắm
tay nhau xây dựng nền Dân chủ: Giấc Mộng Việt Nam)
Hà Nội, ngày 14/4/2014
Nguyễn Vũ Bình
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)